Nhìn lại Giải bóng đá vô địch quốc gia V-League 2014: Khắc khoải niềm tin "chuyên nghiệp"

08:08, 13/08/2014

V-league 2014 khép lại với ngôi vô địch thuộc về đội Becamex Bình Dương sau sáu năm chờ đợi. Một mùa giải "ngoại hạng" nữa của Việt Nam tiếp tục trôi qua, tuy có những điểm sáng đổi mới, nhưng còn nhiều bất cập, tiêu cực tồn tại suốt bao năm qua vẫn chưa được giải quyết. Người hâm mộ đang khắc khoải về giải bóng đá vô địch quốc gia sẽ trở nên chuyên nghiệp "một cách đúng nghĩa".

Le lói những hy vọng

Không thể phủ nhận, "ngôi vương" dành cho Becamex Bình Dương (B. Bình Dương) là hoàn toàn xứng đáng với những nỗ lực không biết mệt mỏi của câu lạc bộ này từ đầu mùa giải. Mặc cho hoàn cảnh bóng đá Việt Nam ra sao, mặc cho những rắc rối của các câu lạc bộ "phức tạp" đến thế nào, đội bóng chủ sân Gò Ðậu vẫn âm thầm miệt mài theo đuổi lối chơi cống hiến hết mình. Mới chỉ bước chân vào sân chơi chuyên nghiệp được mười năm, với chức vô địch V-league thứ ba, Becamex Bình Dương đã sở hữu một kỷ lục trong lịch sử của giải đấu này. Niềm tin của người hâm mộ luôn là tài sản vô giá dành cho các cầu thủ. Sắc đỏ tràn ngập tại thị xã Thủ Dầu Một, hàng nghìn cổ động viên đổ ra đường để ăn mừng vinh quang của đội nhà.

 Đội Becamex Bình Dương đoạt Cúp vô địch V-League 2014.
Đội Becamex Bình Dương đoạt Cúp vô địch V-League 2014.

Có thể nói, giá trị của niềm tin chưa bao giờ lại quan trọng như thời điểm hiện nay đối với bóng đá Việt Nam, nhất là ở giải đấu đỉnh cao của quốc gia. Mùa giải 2014 đánh dấu một bước ngoặt khi Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cũng như Ban tổ chức (BTC) V-League cố gắng tạo ra cơ chế mới để củng cố niềm tin nơi người hâm mộ bằng cách đưa về những "ngoại binh" ở cả cấp quản lý và cấp trọng tài. Lần đầu tiên trong lịch sử, V-League 2014 được điều hành bởi một vị trưởng BTC là người nước ngoài, ông Ta-na-ca Cô-gi. Kỳ vọng đem lại sức sống mới cho V-League được đặt lên vai vị chuyên gia của Nhật Bản. Dù mới chỉ sau một mùa giải, vai trò của ông Cô-gi chưa thật sự nổi bật, nhưng với cách giải quyết hợp lý các rắc rối xảy ra trong suốt mùa giải, thì rõ ràng, người hâm mộ có lý do để đặt niềm tin vào ông. Cùng với vị trưởng BTC, việc xuất hiện các trọng tài từ xứ sở hoa anh đào dù chỉ ở giai đoạn cuối mùa giải, song cũng kịp tạo ra những khác biệt về tính chuyên nghiệp. Với dấu hiệu này, chúng ta có quyền chờ đợi ở những mùa V-League tiếp theo, hệ thống mới sẽ vận hành trơn tru hơn để nâng cao chất lượng của giải đấu.

V-League không thể là "cái chợ"

Không phủ nhận những thành công mà V-League 2014 có được, nhưng chưa đủ để che khuất những "màn tối" của mùa giải, khi nạn bán độ, bạo lực sân cỏ còn tái diễn, cũng như chất lượng thi đấu có phần giảm sút. Trước hết, phải nói đến tính chuyên nghiệp của một giải đấu hàng đầu quốc gia mà bị chính các câu lạc bộ "coi thường". "Cái chợ" là từ nôm na mà người hâm mộ dành cho V-League 2014 khi lần lượt chứng kiến những hành vi bỏ giải một cách vô trách nhiệm của các câu lạc bộ. Mở màn là sự "ra đi" của Kienlongbank Kiên Giang với lý do thiếu kinh phí. Ðiều đáng nói, ở mùa trước, đội bóng này được "cứu" suất trụ hạng "nhờ" hành vi bỏ giải của câu lạc bộ XM Xuân Thành Sài Gòn. Sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử phải thi đấu với số lẻ 13 đội, cho đến khi XM The Vissai Ninh Bình tiếp bước đội bóng của Kiên Giang, rời giải. Tuy nhiên, đội bóng Cố đô Hoa Lư có lý do "hợp tình hợp lý" hơn vì sau vụ bán độ ở AFC Cup đã "lấy đi" gần hết bộ khung chính của đội hình 1, buộc lãnh đạo XM The Vissai Ninh Bình không còn cách nào khác là xin dừng cuộc chơi. Nhưng, dù gì đi nữa, cần tính đến cung cách quản lý và điều lệ chặt chẽ hơn, để V-League không thể tiếp tục là nơi mà các câu lạc bộ tùy thích đến, tùy thích đi như vậy.

Lý lẽ là vô cùng khi các câu lạc bộ tự ý bỏ giải, nhưng suy cho cùng, bản thân các huấn luyện viên hay cầu thủ mới đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành đội bóng đi đúng hướng. Tiếp bước mùa giải 2013, bạo lực sân cỏ thậm chí còn tồi tệ hơn, khi các cầu thủ thi đấu như "đấu võ": hậu vệ Ðình Ðồng (Sông Lam Nghệ An) đạp gãy chân Nguyễn Anh Hùng (Hùng Vương An Giang), Ðinh Văn Ta (XM The Vissai Ninh Bình) "song phi" gãy xương sườn Ðan-ni Ða-vít (Ðồng Tâm Long An)... Chưa kể đến vụ hành hung trọng tài trên sân An Giang, nghi án huấn luyện viên Mai Ðức Chung tấn công cả cổ động viên... Về tư cách thi đấu của các cầu thủ lẫn huấn luyện viên đã vậy, mảng tối của mùa giải còn tiếp tục bởi nỗi ám ảnh bán độ, cá độ - vấn nạn kéo dài hàng chục năm qua của bóng đá Việt Nam. V-League 2014 chứng kiến những hình ảnh vô cùng xấu, gây phẫn nộ cho người hâm mộ bởi sự phản bội niềm tin của họ khi hàng loạt vụ dàn xếp tỷ số tập thể bị phanh phui. Từ vụ án chín cầu thủ XM The Vissai Ninh Bình bị khởi tố tội danh đánh bạc và tổ chức đánh bạc; rồi bảy cầu thủ thuộc biên chế Ðồng Nai và Ðồng Tâm Long An cũng bị tạm giữ hình sự với cùng hành vi. Tiếc cho một giải đấu đỉnh cao quốc gia mà đạo đức cầu thủ còn "rẻ" đến vậy, biết bao giờ bóng đá Việt Nam mới được "ngẩng mày ngẩng mặt" một cách thực chất?!

Dù sao, V-League 2014 cũng đã kết thúc trọn vẹn, không bị "đổ vỡ" sau biết bao "giông tố" như nhiều người đã dự đoán. Ðáng ghi nhận BTC giải và VFF đã có sự chuyển động, không nhân nhượng, kiên trì giải quyết những vấn đề tiêu cực. Khó khăn và thách thức còn nhiều, nhưng không phải là không thể làm được. Chúng ta hãy cùng chờ những dấu hiệu tích cực mới tại mùa giải vô địch bóng đá quốc gia năm 2015.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com