Đi tìm bóng đá "sạch"

07:08, 01/08/2014

Liên tiếp trong những ngày qua, bóng đá Việt Nam đã xảy ra khá nhiều sự việc liên quan tới các cầu thủ, trọng tài, thậm chí Ban tổ chức các giải đấu cũng "có vấn đề”, hay cả sự lình xình của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam… Những vụ việc đó chưa nguôi, chưa được giải quyết triệt để thì lại tiếp tục rộ lên chuyện “bán độ” của các cầu thủ bóng đá ở Ninh Bình, Đồng Nai. Những vấn đề trên đã khiến dư luận đặt câu hỏi nên dừng hay tiếp tục V-League. Nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực trên đã được các chuyên gia, nhà chuyên môn, dư luận và báo chí phân tích, lý giải. Đó là việc các CLB, các ông chủ đội bóng quá coi trọng thành tích nên “quán triệt” các cầu thủ bằng mọi cách để ăn thua cùng đối thủ hoặc tìm cách thua “một cách hợp lý” để đạt được mục đích. Vì thế các cầu thủ ra sân không phải để phô diễn những tinh hoa của nghệ thuật chơi bóng mà tìm mọi cách để triệt hạ đối phương, sẵn sàng ẩu đả và ăn thua, thậm chí có những phản ứng thiếu văn hóa và coi thường khán giả. Đó là việc các cơ quan chủ quản không thực sự chú trọng đến vấn đề rèn kỷ cương, kỷ luật và các kỹ năng ứng xử một cách có văn hóa trên sân cỏ cũng như trong cuộc sống cho các cầu thủ khiến họ không đủ sức đề kháng để đủ tỉnh táo vượt qua những “cám dỗ” với nhiều cạm bẫy phức tạp hiện nay từ đời sống xã hội… Nguyên nhân có nhiều, nhưng tiêu cực là lý do chủ yếu làm “bẩn” và “giết chết” bóng đá, từ chất lượng các giải đấu cho đến niềm tin nơi người hâm mộ.

Trên thực tế, tiêu cực trong bóng đá thì nơi nào, thời nào và loại hình nào cũng có. Nhìn rộng ra, tại giải Seria A ở I-ta-li-a hay League 1 ở Pháp cũng từng xảy ra những vấn nạn tiêu cực với việc móc ngoặc tỷ số, mà mỗi lần bị phanh phui thì lộ ra cả đường dây, từ cầu thủ, trọng tài đến cả ông bầu. Ở Đông Nam Á, Ma-lai-xi-a từng xóa hết làm lại một giai đoạn nhằm cắt đứt mọi liên quan đến tiêu cực khi có quá nhiều cầu thủ và đội bóng “nhúng chàm”. Bóng đá Trung Quốc một thời làm mưa làm gió khi có nhiều cầu thủ thi đấu thành công ở Anh, Đức nhưng ngày nay phải vật lộn với vị trí thấp cũng bởi tiêu cực…

Như vậy, tiêu cực xảy ra ở nhiều nơi, nhưng khác nhau ở chỗ cách nhìn nhận và cách xử lý tiêu cực như thế nào mà thôi. Các nước xử lý tiêu cực khá nhanh chóng và mạnh tay. Còn ở bóng đá Việt Nam là một “mê cung” mà ngay cả người trong cuộc cũng không biết mình đang lạc đến đâu. Vì vậy đến lúc này, điều quan trọng nhất là quan điểm xử lý phải được thay đổi, phù hợp với quy luật và đòi hỏi thực tiễn đặt ra. Khi đã thay đổi được quan điểm xử lý thì dừng giải hay không chỉ là giải pháp kỹ thuật mà thôi. Vậy làm thế nào để chúng ta có một sân chơi bóng đá "sạch”?! Dư luận cho rằng: Chỉ khi nào chuyện thắng - thua trong mỗi trận đấu không phải là vấn đề được đặt lên hàng đầu, mà ở đó các CLB, các cầu thủ phải phô diễn được những tinh hoa của bóng đá, với tinh thần thể thao cao thượng, trung thực và giàu bản sắc… Chừng nào làm được điều đó thì mới có được nền bóng đá "sạch”./.

Khôi Nguyên (tổng hợp)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com