Mạnh tay với nạn bán độ

07:07, 24/07/2014

Có thể nói bóng đá Việt Nam đang "đổ dốc" cả về thành tích và chất lượng phát triển. Một bộ phận cầu thủ chỉ vì một chút lợi ích đen tối, sẵn sàng quay lưng với người hâm mộ để bán độ, dàn xếp tỷ số. Đã đến lúc, các nhà quản lý bóng đá và cơ quan chức năng phải mạnh tay với các cầu thủ vi phạm.

Nỗi buồn bóng đá

Việt Nam không thiếu những tấm gương, những vận động viên trên sân cỏ luôn thi đấu hết mình vì thể thao chân chính. Thế nhưng, trước cám dỗ của đồng tiền, một số cầu thủ, đội bóng đang dần "bán mình" vì thiếu bản lĩnh.

Hồi tháng 4 năm nay, chín cầu thủ XM The Vissai Ninh Bình bị phát hiện đã tham gia cá độ trong trận gặp Kelantan (Ma-lai-xi-a) trong khuôn khổ vòng đấu bảng AFC Cup. Bằng hành vi này, đội bóng của bầu Trường giành được chiến thắng "đúng ý muốn" với tỷ số 3-2 để rồi nhóm cầu thủ "đen" nhận số tiền thắng độ lên đến 1,02 tỷ đồng. Và khi vụ án này chưa kịp đi đến hồi kết thì đến ngày 20-7, Cục Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội (C45)- Bộ Công an đã lại phải triệu tập sáu cầu thủ ở đội Đồng Nai liên quan đến nghi án bán độ sau trận đấu Than Quảng Ninh thắng Đồng Nai 5-3 ở vòng 21 V-League vừa qua. Điều đáng nói, tất cả số cầu thủ nêu trên đều đã bị cơ quan điều tra theo dõi thời gian dài trước đó và một trong sáu cầu thủ là hậu vệ Phan Lưu Thế Sơn cũng đã từng dính nghi án bán độ hồi năm 2010 trong mầu áo U19 quốc gia.

Hành vi bán độ với số lượng nhiều cầu thủ tái diễn đối với bóng đá Việt Nam thật sự là điều đáng báo động và đòi hỏi một chiến lược và quyết tâm dẹp "sóng ngầm cá độ" hiện nay. Bởi những sự việc như trên, không những các cầu thủ phải trả giá mà còn khiến những ông bầu nhiệt huyết với bóng đá, những cầu thủ, câu lạc bộ khác thi đấu hết mình và giành chiến thắng phải chịu "liên đới". Ngay sau khi biết thông tin về việc bán độ của cầu thủ Đồng Nai, HLV Đinh Cao Nghĩa của đội Than Quảng Ninh rất phẫn nộ. Ông mong muốn và hy vọng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Ban tổ chức V-League và cơ quan điều tra sớm có kết quả điều tra, làm trong sạch bóng đá. Ông khẳng định: "Có như vậy mới kéo được người hâm mộ đến sân. Như vậy mới là bóng đá chuyên nghiệp".

Ai cũng rõ, bầu Trường của XM The Vissai Ninh Bình đã phải tạm thời giải tán đội bóng trong sự ngậm ngùi tiếc nuối sau bao nhiêu năm gây dựng. Ông chỉ mong được "bảo lưu" suất đá V-League trong vài năm tới khi tiếp tục đào tạo các cầu thủ lứa trẻ để đôn lên đội hình chính. Trong khi đó, trường hợp các cầu thủ Đồng Nai bán độ thì kết quả trận đấu sẽ bị hủy, mà thiệt thòi lớn nhất là nỗ lực "đá đẹp" trên sân và thành tích của đội bóng CLB Than Quảng Ninh cũng "đổ xuống sông xuống bể". Một nền bóng đá sẽ thật sự "lâm nguy" không chỉ vì những "con sâu bán độ" và còn là bởi những giá trị chân chính, những tâm huyết hết mình phải gián tiếp hứng chịu hậu quả do hành vi phi thể thao gây nên. Vì lẽ đó, cần có một cơ chế hợp lý để "xử đúng người đúng tội" nhưng không làm thiệt thòi đối với quyền lợi và danh dự của những người đang nỗ lực thi đấu hết mình vì một nền bóng đá Việt Nam trong sạch và có chất lượng chuyên môn tốt.

Xử nghiêm để răn đe

Thật xấu hổ, nhưng đã đến lúc phải tuyên chiến một cách quyết liệt với tiêu cực của bóng đá. Thực tế nền bóng đá của chúng ta đang bị "nhuốm bẩn" và nếu muốn vượt qua hố đen "cá độ" để làm trong sạch nó thì bằng mọi giá phải xem lại và cần có một bộ phận chuyên trách về đạo đức cầu thủ. Điều gì đã xảy ra khi những cầu thủ như Nguyễn Thành Long Giang (từng tham dự ba kỳ SEA Games trong mầu áo đội tuyển quốc gia), các cựu cầu thủ U23 như Đức Thiện, Kiên Trung lại nằm trong danh sách bán độ? Điều gì đã khiến thế hệ vàng SEA Games 23 như Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh... chấm dứt hào quang của sự nghiệp khi "bán đứng" bản thân, "bán đứng" tình cảm yêu mến của người hâm mộ? Đó là vấn đề về đạo đức, vấn đề về lối sống của không ít cầu thủ Việt Nam hiện nay.

Ở giải đấu quốc gia năm 1985, chắc người hâm mộ chưa quên quyết định "đầy phẫn nộ", nhưng dứt khoát và đúng đắn của phía lãnh đạo quân đội khi rút đội Thể Công về, không cho tham dự trận chung kết và tiến hành kỷ luật toàn đội vì cố tình "móc ngoặc" với đội Công an Hà Nội ở vòng bán kết nhằm loại đại kình địch của cả hai đội là đội Cảng Sài Gòn. Đã từ quá lâu để chúng ta có được một quyết định xử phạt có mức răn đe như vậy, đã từ rất lâu các nhà quản lý "bỏ ngỏ" việc duy trì sự công bằng trên sân cỏ, để rồi nền bóng đá nước nhà liên tục tụt dốc.

Bóng đá Việt Nam từng chấp nhận "cho vào quên lãng" cả một thế hệ vàng sau "nỗi hổ thẹn ở Bacolod" hồi năm 2005, phạt tù cả những vị vua sân cỏ "thổi méo" như vụ án Lương Trung Việt và các đồng phạm năm 2004... Và rồi sau đó, chúng ta vượt qua được thách thức, thị phi để đi đến vinh quang tại AFF Cup 2008 với ngôi vô địch lần đầu trong lịch sử. Vậy rõ ràng, chỉ có quyết tâm, dứt khoát và mạnh tay thì bóng đá Việt Nam mới đi qua được "cơn bão bán độ" hiện nay.

Một điều đáng mừng rằng, trong sự việc ở Đồng Nai, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã ngay lập tức quyết liệt phối hợp với cơ quan chức năng phanh phui sự việc. Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng thẳng thắn: "Chúng tôi không sợ vỡ giải và sẽ không nương tay với bất cứ đội nào, cá nhân nào nếu vi phạm. Bóng đá Việt Nam không thể đi lên được nếu còn những "con sâu phá hoại" này". Trước đó, VFF đã âm thầm cùng lực lượng chức năng điều tra các câu lạc bộ có hành vi bán độ và cam kết, tiếp tục "giải quyết" tận cùng những câu lạc bộ, những cầu thủ, cá nhân dính dáng đến bán độ trong một chiến dịch "bàn tay sắt" nhằm trấn áp hoàn toàn hành vi tiêu cực trên sân cỏ. Đến lúc đó, những câu lạc bộ "đá sạch", tôn trọng đạo đức bóng đá, ra sân để thi đấu "đẹp" mới "có đất" để giành lại niềm tin của người hâm mộ.

Ma-lai-xi-a từng cấm thi đấu, đưa đi cải tạo 84 cầu thủ trong một đường dây cá độ khổng lồ năm 1994, ngay trước kỳ SEA Games 1995 mà không chút e ngại. Năm 2012, Hiệp hội bóng đá nước này tiếp tục cấm thi đấu trọn đời 18 cầu thủ và một huấn luyện viên khi phát hiện ra hành vi dàn xếp tỷ số. Đó là phương pháp để đi đến thành công mà bóng đá Ma-lai-xi-a có được trong suốt nhiều năm qua. Họ đã vượt qua bằng cách tôn trọng và quyết liệt để có được sự thật.

Đã đến lúc, Việt Nam phải làm bằng được điều này nếu không muốn nền bóng đá nước nhà tiếp tục đứng yên và tụt hậu.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com