Để phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ năm 2009 đến nay đã có hàng nghìn học sinh các trường học trong tỉnh được học bơi và trang bị kiến thức phòng tránh đuối nước, qua đó góp phần giảm tỷ lệ trẻ em bị tai nạn, thương tích, đặc biệt là bị chết do đuối nước.
Lớp dạy bơi cho học sinh Trường THPT Ngô Quyền tại Bể bơi Trần Khánh Dư (TP Nam Định) đầu tháng 5-2014. |
Trước đây, trên địa bàn Thành phố Nam Định có nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra. Nguyên nhân do trẻ em thành phố ít được học bơi, học cách nhận biết nguy hiểm khi bơi lội ở sông, hồ. Thực hiện sự chỉ đạo Bộ GD và ĐT về việc thí điểm dạy bơi trong các trường tiểu học và chỉ đạo của UBND tỉnh, từ nhiều năm nay BCĐ các hoạt động hè Thành phố Nam Định, Phòng GD và ĐT, Trung tâm VH-TT-TT thành phố đã phối hợp tổ chức dạy bơi cho học sinh THCS trên địa bàn. Địa điểm được 2 ngành lựa chọn là Bể bơi tư nhân Thắng Lợi dưới sự giảng dạy của các HLV bơi lội thành phố giàu kinh nghiệm đã thu hút hàng nghìn học sinh tham gia. Trong dịp hè năm 2013, Trung tâm, Phòng GD và ĐT thành phố đã dạy bơi cho khoảng 2.000 học sinh các Trường THCS: Trần Đăng Ninh, Phùng Chí Kiên, Lương Thế Vinh, Hàn Thuyên; riêng Trường THCS Lương Thế Vinh có đủ học sinh lớp 6-9 học bơi, qua kiểm tra 100% học sinh biết bơi các thế bơi cơ bản. Mặc dù bơi là môn học tự chọn nhưng việc quản lý học sinh rất chặt chẽ. Các buổi học đều có điểm danh; giữa tổ bộ môn và phụ huynh học sinh thường xuyên liên lạc với nhau không để các em nghỉ học bơi để đi chơi. Dự kiến sau thời điểm các trường nghỉ hè năm 2014, Trung tâm VH-TT-TT và Phòng GD và ĐT thành phố sẽ tổ chức dạy bơi cho trên 2.000 học sinh thành phố. Tại bể bơi Nhà văn hóa Thiếu nhi Thành phố Nam Định, mới đầu tháng 5-2014 đã có đông trẻ em đăng ký học bơi trong dịp hè này. Được biết, vào dịp hè hằng năm Nhà văn hoá Thiếu nhi thành phố cũng tổ chức dạy bơi cho khoảng 400 trẻ em; sau một khóa học khoảng 15 buổi đã có thể biết một kiểu bơi thông thường. Việc dạy bơi cho học sinh Thành phố Nam Định sôi động nhất tại Bể bơi Trần Khánh Dư do Trường Nghiệp vụ TDTT Nam Định (Sở VH, TT và DL) phối hợp với các trường THPT, THCS trên địa bàn thành phố triển khai từ năm 2009, mỗi năm thu hút 3-4 nghìn học sinh tới học. Ngày 8-5-2014, Trường Nghiệp vụ TDTT Nam Định đã chính thức khai mạc chương trình dạy bơi hè năm 2014. Đơn vị mở đầu là Trường THPT Ngô Quyền với số lượng 800 học sinh khối 11, 12. Đây là năm thứ 2 trường tổ chức dạy bơi cho học sinh. Năm 2013 trường có 1.285 học sinh các khối 10, 11 và 12 được học bơi trườn sấp; qua kiểm tra có gần 100% học sinh biết bơi. Nhờ học bơi căn bản từ năm trước, hè năm nay học sinh của trường sẽ được học bơi trườn sấp nâng cao và bơi ngửa. HLV Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng bộ môn bơi lội Trường Nghiệp vụ TDTT Nam Định cho biết: Ngoài Trường THPT Ngô Quyền, trong dịp hè Trường Nghiệp vụ TDTT Nam Định còn phối hợp với 2 Trường THPT Nguyễn Khuyến và Nguyễn Huệ dạy bơi cho trên 1.600 học sinh lớp 11, 12; phối hợp với 2 Trường THCS Trần Đăng Ninh và Hàn Thuyên dạy bơi cho khoảng 1.200 học sinh khối lớp 8 và 9; tổ chức 3 lớp dạy bơi cho con, em cán bộ ngành VH, TT và DL, ngành Công an và đối tượng thanh, thiếu niên tự do với tổng số khoảng 4.000 học sinh, thanh, thiếu niên. Để dạy bơi đạt hiệu quả, trước khi kết thúc năm học, Trường Nghiệp vụ TDTT Nam Định đã phối hợp với một số trường THPT, THCS, tiểu học của thành phố tổ chức dạy kỹ thuật môn bơi lội cho một số giáo viên thể chất.
Tuy nhiên, việc tổ chức dạy bơi cho học sinh trong nhà trường và trẻ em ở khu vực nông thôn chưa được coi trọng. Hiện nay, mới chỉ có một số địa phương quan tâm thực hiện, duy trì việc dạy bơi cho trẻ em như huyện Nghĩa Hưng và một số xã, thị trấn của các huyện Hải Hậu, Giao Thuỷ nhưng hiệu quả chưa cao khi chưa thu hút trẻ em tới học, nhất là việc dạy bơi học sinh ở các trường học. Nguyên nhân do thiếu sự quan tâm của các ngành, các địa phương vì cho rằng trẻ em sống ở khu vực nông thôn do sống gần ao, hồ, sông, ngòi… nên biết bơi khá sớm, nhiều em bơi giỏi. Đây là suy nghĩ chủ quan cộng với việc các em thiếu các kiến thức xử lý rủi ro nên khu vực nông thôn có tỷ lệ tử vong do đuối nước khá cao. Bên cạnh đó, việc dạy bơi còn ít được triển khai do khó khăn về cơ sở vật chất. Hiện nay, ở khu vực nông thôn trong tỉnh mới chỉ có huyện Nghĩa Hưng có 2 bể bơi thuộc xã Nghĩa Phú và bể bơi trung tâm nằm trong Khu liên hiệp thể thao huyện được xây dựng năm 2013. Các địa phương khác muốn dạy bơi cho trẻ em phải tận dụng khu vực sông, hồ nhưng không được phụ huynh nhiệt tình hưởng ứng bởi sợ nước không sạch ảnh hưởng đến sức khoẻ các em. Ngoài ra, phần lớn giáo viên thể chất các trường học ở các huyện chưa qua lớp sư phạm dạy bơi nên nhiều trường không tổ chức dạy bơi cho học sinh. Thực tế việc thiếu giáo viên dạy bơi lội ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dạy. Với một tiết học bơi trung bình có 30-40 học sinh phải cần từ 2-3 HLV, giáo viên trực tiếp đứng dưới nước hướng dẫn các em mới đạt hiệu quả cao, đó là chưa kể luôn phải trông chừng các em khi ở dưới nước bởi chỉ một phút sơ sảy sẽ xẩy ra hậu quả đáng tiếc.
Thời gian tới, các cấp, các ngành, trực tiếp là Sở VH, TT và DL, Sở GD và ĐT cần quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư xây dựng bể bơi, đào tạo giáo viên thể chất các trường học tham gia giảng dạy bơi cho học sinh, trẻ em, nhất là khu vực nông thôn, góp phần giảm thiểu tai nạn đuối nước trong dịp hè./.
Bài và ảnh: Thanh Ngọc