Niềm hy vọng "Vàng"

08:01, 24/01/2014
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Năm 2014, cùng với ASIAD, đội tuyển thể dục dụng cụ (TDDC) Việt Nam còn phải tập trung cho Giải vô địch thế giới tổ chức tại Trung Quốc vào tháng 10-2014 để tích điểm giành quyền tham dự Ô-lim-pích 2016 của môn TDDC. Mục tiêu của đội tuyển TDDC quốc gia là giành vé tham dự Thế vận hội 2016 ở nội dung toàn năng và đơn môn… Chính vì vậy ngay đầu tháng 1-2014, đội tuyển TDDC quốc gia đã tập trung trở lại gồm 10 VĐV nam (Hà Nội 6, Quân đội 2, TP Hồ Chí Minh 2) và 3 VĐV nữ (Phan Thị Hà Thanh, Đỗ Thị Thu Huyền và Đỗ Thị Vân Anh). Mục tiêu rõ ràng nhất mà đội tuyển TDDC Việt Nam đang nhắm đến đó là giành Huy chương Vàng tại ASIAD 2014 ở In-châng (Hàn Quốc). TDDC là 1 trong 20 môn của đoàn thể thao Việt Nam tham dự ASIAD 2014, trong đó TDDC nằm trong 6 môn trọng điểm có thành tích tiệm cận Huy chương Vàng. Theo nhận định của các chuyên gia, đội tuyển TDDC quốc gia đang sở hữu những tuyển thủ được kỳ vọng đủ khả năng giành Huy chương Vàng ở ASIAD 2014 là Phan Thị Hà Thanh (nhảy chống nữ) và Nguyễn Hà Thanh (nhảy chống nam). Với những gương mặt VĐV được tập trung đợt này, ở một số nội dung sở trường như: xà kép, nhảy ngựa… trình độ của các VĐV Việt Nam không hề thua kém các VĐV của các nước hàng đầu thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Vì vậy, nếu các VĐV tiếp tục chăm chỉ tập luyện và giữ được phong độ ổn định như hiện nay thì chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào kết quả tốt tại Hàn Quốc. Một thuận lợi nữa của đội tuyển là đang có ba HLV nước ngoài có trình độ, đẳng cấp thế giới nên đội tuyển không phải lo lắng về chuyện chuyên gia. Tuy vậy điều đáng quan tâm nhất hiện nay cho các VĐV bộ môn TDDC chính là vấn đề dinh dưỡng, bởi với đặc thù của bộ môn TDDC các VĐV rất cần có nhiều loại thực phẩm chức năng để sử dụng nhằm bảo đảm không bị tăng cân nhưng vẫn đủ thể lực tập luyện và thi đấu. Đặc biệt cơ sở vật chất và sự chăm sóc y tế cho các VĐV vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. TDDC cần có dụng cụ hiện đại, bảo đảm an toàn cho VĐV. Đội TDDC nói riêng, thể thao nước nhà nói chung rất cần có bác sĩ thể thao giỏi. Nhiều giải quốc tế, do kinh phí hạn hẹp nên đội không có bác sĩ đi cùng, khiến VĐV gặp nhiều khó khăn. Có lúc thầy, trò phải nhờ bác sĩ của đội bạn nên rất bất tiện. So với giải thế giới, đấu trường ASIAD khốc liệt không kém. Theo bà Nguyễn Kim Lan, Trưởng bộ môn TDDC (Tổng cục TDTT) thì quy định kỹ thuật mới nhất về môn nhảy chống rất khắt khe, VĐV phải thực hiện hai động tác có độ khó hoàn toàn khác nhau trong thời gian cực ngắn. Để thực hiện động tác, VĐV phải có kỹ thuật điêu luyện, khéo léo, hoàn hảo, ổn định. Phan Thị Hà Thanh luôn nằm trong tốp VĐV hàng đầu thế giới có điểm xuất phát rất cao, nhưng giành được huy chương hay không nằm ở động tác thực hiện. Hy vọng Hà Thanh sẽ tiếp tục phát huy được tối đa năng lực của mình như tại Giải vô địch thế giới thời gian vừa qua tại Nhật Bản. Còn nam tuyển thủ Nguyễn Hà Thanh cũng nằm trong nhóm VĐV tranh chấp huy chương ở nội dung nhảy chống nam tại ASIAD 14 nhưng Thanh sẽ phải đối đầu với các đối thủ mạnh đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên… Trước thềm ASIAD 2014, đội sẽ lên đường đi tập huấn khoảng một tháng. Địa điểm có thể là Nhật Bản hoặc Hàn Quốc.

Mặc dù vẫn còn những khó khăn nhất định song với sự chuẩn bị chu đáo, nhìn rõ những thuận lợi để phát huy, đồng thời chủ động khắc phục khó khăn… hy vọng rằng đội tuyển TDDC quốc gia sẽ thành công ở các đấu trường châu lục và thế giới, tiếp tục mang vinh quang về cho Tổ quốc./.

Khôi Nguyên (tổng hợp)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com