Trong hoàn cảnh bóng đá nước nhà đang đi xuống từ cấp đội tuyển quốc gia đến CLB, người hâm mộ mất niềm tin, việc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) quyết định tổ chức đại hội thường niên vào thời điểm đầu năm 2014 có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm ra những định hướng phát triển mới cho bóng đá nước nhà trong thời gian tới. Đại hội cũng được xem là cuộc “tổng duyệt” cho Đại hội VFF, nhiệm kỳ VII sắp diễn ra vào tháng 2 tới. Tại kỳ đại hội này, Ban chấp hành VFF đã chỉ rõ những yếu kém dẫn đến những thất bại của đội tuyển quốc gia, đội tuyển U.23… tại SEA Games 27 và các giải đấu quốc tế của khu vực và châu lục; công tác tổ chức, điều hành, vấn nạn tiêu cực, công tác trọng tài… tại các giải đấu quốc nội khiến người hâm mộ mất niềm tin khi hầu hết các quyết sách của VFF đều thiếu hợp lý và chưa thực sự vì cái chung.
Vừa được bầu giữ chức quyền Chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng ngay lập tức đã có những động thái, hành động quyết liệt, tích cực từ phía người đứng đầu VFF. Ông Lê Hùng Dũng đã cùng Cty CP Bóng đá Việt Nam (VPF) xây dựng những biện pháp nhằm nâng tầm chất lượng V.League. Mùa giải mới của bóng đá Việt Nam sẽ trở lại khởi tranh vào đầu tháng tới. Các vị trí Trưởng Ban tổ chức Giải V-League, Giải hạng Nhất đã được VFF ngắm và gần như đã có người ngồi chính thức. Tuy nhiên, những quyết tâm muốn làm thay đổi từ tầm quản lý để nâng cao chất lượng giải đấu đã khiến VFF lên phương án thuê chuyên gia nước ngoài đảm trách vị trí điều hành giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam. Theo tiêu chí này thì nhiều khả năng ông Tanabe, chuyên gia người Nhật Bản, chính là người sẽ trở lại để ngồi vào “ghế nóng”. Điều này hoàn toàn có thể bởi sau một năm nghỉ ngơi giải quyết công việc gia đình cũng như nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức, hoạt động của V.League và nhất là sự ủng hộ, quyết tâm của người đứng đầu VFF, ông Tanabe có thể trở lại để giúp VPF. Một trong những bức xúc, yếu kém và được chỉ rõ tại hội nghị tổng kết mùa giải 2013 chính là công tác trọng tài cũng được quyền Chủ tịch VFF làm quyết liệt. Ông Dũng đã tuyên bố, sẽ không mời, không phân công những trọng tài lèm nhèm bị dư luận kêu ca, phê bình. Những người được mời nếu lần đầu bị kêu ca, phản ánh sẽ là thẻ vàng và nếu tiếp tục sẽ là thẻ đỏ và sẽ không bao giờ mời nữa. Đồng thời ngay lập tức, để đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh những điều tiếng cho giải đấu ngay từ khi khởi tranh, VFF đã đưa ra quyết định "trảm” một lúc 6 vị trọng tài từng bị nghi ngờ tố cáo có dính líu đến tiêu cực. Giải pháp hạn chế tiêu cực từ phía trọng tài như “liều thuốc” kích thích tính trung thực của họ. Ông tuyên bố sẽ trao thưởng gấp 3 lần số tiền được hối lộ (cho dù có là tiền tỷ) cho bất cứ trọng tài nào được đội bóng hay ai đó cho tiền nhưng nộp lại cho Ban tổ chức cùng những bằng chứng cụ thể. Một hành động cũng rất cụ thể nữa là ông gắn trách nhiệm lên vai các vị giám sát trận đấu khi viết báo cáo mà không tỏ rõ chính kiến sẽ ngay lập tức được “ngồi chơi, xơi nước”.
Năm 2014, bóng đá Việt Nam sẽ đối diện với nhiều khó khăn, thách thức hơn là thời cơ, thuận lợi. Trong bối cảnh đó, chỉ có đoàn kết, tỉnh táo và các cách điều tiết mọi việc một cách hài hòa mới có thể chèo lái “con tàu bóng đá” Việt Nam đi đúng hướng. Cần phải bắt “đúng bệnh” để có giải pháp trị liệu hợp lý và hiệu quả. Hy vọng trong thời gian tới, người đứng đầu cũng như các vị lãnh đạo của VFF sẽ tiếp tục có nhiều hành động cụ thể hơn nữa để cải tổ và đem lại tương lai tươi sáng hơn cho bóng đá nước nhà./.
Khôi Nguyên (tổng hợp)