Sau hơn nửa tháng tranh tài, SEA Games 27 đã khép lại với nhiều ấn tượng, cảm xúc trong lòng người hâm mộ. Với những nỗ lực hết mình của đội ngũ HLV, VĐV và các chuyên gia, đoàn thể thao Việt Nam đã vượt chỉ tiêu huy chương, giữ vững vị trí thứ ba trên bảng xếp hạng.
Ảnh: Internet |
Có thể nói, kết quả của SEA Games 27 đã phản ánh bức tranh khá chân thực của thể thao Đông Nam Á hiện nay, đó là Thái Lan mạnh nhất khu vực; Việt Nam luôn ổn định trong tốp đầu. Ở SEA Games lần này, dù gặp không ít áp lực, trở ngại, nhưng thể thao Việt Nam vẫn khẳng định được bước tiến trong các môn thể thao Ô-lim-pích. Đó là lần đầu tiên sau 54 năm, kình ngư nữ Việt Nam lại mới vô địch Đông Nam Á. Hơn nữa, ngoài thành tích 3 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng trên làn đua xanh, Ánh Viên còn lập kỷ lục mới SEA Games ở nội dung 400m hỗn hợp với thành tích 4 phút 46 giây 16 (kỷ lục cũ 4 phút 50 giây 88) và 200m ngửa. Hình ảnh “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương như tên bắn lao về đích, lập cú đúp Huy chương Vàng ở nội dung 100m và 200m. Đáng khen là thành tích 200m của Vũ Thị Hương còn vượt thông số Huy chương Vàng tại Giải vô địch châu Á 2013 đến 7% giây. Lực sĩ Kim Tuấn (hạng 56kg) phá 2 kỷ lục SEA Games ở nội dung cử giật (129kg) và tổng cử (285kg). Với thành tích này, cộng với sự ổn định thành tích Kim Tuấn đạt được trong năm 2013 (3 Huy chương Đồng thế giới và 3 Huy chương Bạc châu Á), thể thao Việt Nam có quyền nuôi hy vọng ở Ô-lim-pích 2016. Đó là 3 Huy chương Vàng của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Thành tích xuất sắc của anh giúp đội tuyển bắn súng đạt 7 Huy chương Vàng, vượt xa chỉ tiêu đến 3 Huy chương Vàng so với mục tiêu đặt ra trước lúc lên đường… Đặc biệt, một số VĐV còn rất trẻ như: Lâm Quang Nhật (bơi lội), Đỗ Thị Thảo, Nguyễn Thị Oanh (điền kinh)… đã mở ra hy vọng cho thể thao Việt Nam không những ở kỳ SEA Games tới mà còn trên đấu trường châu lục. Với người hâm mộ, những chiếc Huy chương Vàng đã quý nhưng tinh thần vượt khó, thi đấu hết mình của các tuyển thủ mới là ấn tượng sâu đậm nhất. Hình ảnh VĐV Phạm Thị Bình, người không những chiến thắng bệnh tim bẩm sinh mà còn chiến thắng tất cả các đối thủ trên quãng đường dài 42,195km với… đôi chân trần đã để lại ấn tượng thật sâu sắc. Rất nhiều người mừng đến chảy nước mắt khi Vũ Thị Hương về đích, bởi trước đây 3 tháng chị còn phải lên bàn mổ đã làm phong độ của chị giảm sút. Đó là những giây phút cố gắng hết mình của các cầu thủ bóng đá nữ trong trận chung kết với đội tuyển Thái Lan…
Tuy nhiên, thể thao Việt Nam cũng có những “nốt trầm” khiến người hâm mộ không khỏi phiền lòng. Bóng đá nam thất bát một cách không ngờ khi đội quân của HLV Hoàng Văn Phúc bị loại ngay từ vòng đấu bảng. Kết quả trên phản ánh bóng đá Việt Nam đang tụt dốc và kiện toàn lại bộ máy từ lãnh đạo VFF đến các CLB là việc làm cấp thiết hiện nay. Đặc biệt tại SEA Games 27, chúng ta vẫn nhận thấy những ngang trái khi các môn thể thao không mấy phổ biến, thậm chí "lạ mắt" nhưng vẫn được đưa vào thi đấu. Rồi cách điều hành thiếu khách quan, có lúc thiên lệch quá rõ ràng của đội ngũ trọng tài, ban tổ chức… nước chủ nhà khiến nhiều VĐV của chúng ta phải rơi lệ.
Mặc dù vẫn còn những vấn đề cần bàn thảo, rút kinh nghiệm song kết quả đạt được đã khẳng định: Thể thao Việt Nam hoàn toàn đủ tự tin để hướng tới tương lai, với đấu trường châu lục và thế giới trong tương lai. Dư luận cho rằng, thể thao Việt Nam cần xem xét lại việc đầu tư cho SEA Games và chỉ nên đầu tư trọng điểm vào các môn thể thao Ô-lim-pích, còn các môn khác nên để các ngành hoặc địa phương thực hiện./.
Khôi Nguyên (tổng hợp)