Đội múa lân, rồng làng La Ngạn

09:12, 13/12/2013

Ở làng La Ngạn, xã Yên Đồng (Ý Yên) có đội múa lân, rồng được thành lập cách đây 70 năm với các bài múa gậy độc đáo nức tiếng gần xa. Tại lễ khai mạc Đại hội TDTT huyện Ý Yên lần thứ VII-2013, màn múa lân, rồng cùng biểu diễn võ gậy của đội múa lân, rồng làng La Ngạn được đông đảo người xem yêu thích.  

Biểu diễn võ gậy của đội lân, rồng làng La Ngạn, xã Yên Đồng tại Đại hội TDTT huyện Ý Yên lần thứ VII-2013.
Biểu diễn võ gậy của đội lân, rồng làng La Ngạn, xã Yên Đồng tại Đại hội TDTT huyện Ý Yên lần thứ VII-2013.

Chúng tôi tìm về xóm 7, làng La Ngạn gặp ông Đỗ Đình Tánh, 69 tuổi là đội trưởng đội múa lân, rồng của làng. Sau gần 50 năm gắn bó, hiện ông Tánh đang chuyển giao trách nhiệm đội trưởng đội múa lân, rồng cho con trai Đỗ Huy Quyền. Ông Tánh cho biết: “Tôi có được sức khỏe như hiện nay một phần là nhờ gắn bó với hoạt động múa lân, rồng và luyện tập thường xuyên môn võ gậy”. Người làng La Ngạn từ xưa không chỉ nổi tiếng với nhiều nhà khoa bảng, hiếu học mà còn tràn đầy tinh thần thượng võ. Nhiều người trong làng có võ công hiển hách, tiêu biểu như ông tổ dòng họ Đỗ là Lê Thiều Đỗ Bá Công, làm võ tướng thời nhà Lê có nhiều công lao đánh giặc, giữ nước. Phát huy truyền thống võ học của ông tổ dòng họ Đỗ, năm 1943, hai cụ Đỗ Công Phung và Đỗ Công Gián đã đứng lên thành lập đội lân. Lúc đầu thành lập, đội chỉ có vẻn vẹn một đầu lân, không có bài múa gậy khi rước lân. Theo tín ngưỡng dân gian, bài múa gậy khi rước lân thể hiện sự thuần phục linh vật để giúp ích cho con người. Vì vậy, cụ Phung và cụ Gián đã cất công đi khắp nơi mời các đoàn lân giỏi về truyền dạy các bài võ gậy cho đội. Bên cạnh đó, các cụ cũng sưu tầm, nghiên cứu các thế võ gậy trong sách cổ của cha ông để làm phong phú thêm bài múa. Với sự dày công học tập, sưu tầm, đội lân đã xây dựng được nhiều bài múa gậy đặc sắc, trong đó tiêu biểu nhất là bài múa gậy biểu diễn, múa gậy với lân, đấu gậy giữa người với người… Các miếng võ thường xuyên biến hóa nên người thực hiện múa gậy dù ở tư thế nào cũng phải luôn cầm chắc gậy, khéo léo, thông minh, tạo các động tác sao cho đẹp mắt. Khó nhất là các màn múa gậy với lân, đấu gậy giữa người với người đòi hỏi người múa phải phối hợp nhịp nhàng, tạo ấn tượng cho người xem. Múa gậy đòi hỏi khéo léo, nhanh nhẹn, thông minh nên những người được chọn đều phải tập luyện kỹ trước mỗi dịp biểu diễn. Trong câu chuyện với ông Tánh chúng tôi được biết, đội múa lân gắn với võ gậy của người dân làng La Ngạn trải qua nhiều thăng trầm. Trong kháng chiến chống Pháp, xã Yên Đồng với vị trí trọng yếu ven sông Đáy, giáp tỉnh Ninh Bình nên bị địch thường xuyên càn quét. Để chống giặp cướp mất chiếc đầu lân cổ, các thành viên trong đội phải đem cất giấu, đồng thời truyền dạy lại môn võ gậy cho dân làng. Nhiều thanh niên trong làng nhờ học võ gậy đã cùng du khách địa phương chống trả quyết liệt các đợt càn quét của địch. Sau cuộc kháng chiến chống Pháp, người dân làng La Ngạn lại khôi phục môn võ gậy gắn với hoạt động múa lân, rồng. Hiện nay, đội múa lân, rồng của làng có 35 thành viên, tuổi đời từ 20-45 tuổi gồm từ cán bộ thôn, xóm tới những người nông dân quanh năm chân lấm, tay bùn. Ngoài chiếc đầu lân cổ, các thành viên trong đội đã đóng góp kinh phí mua thêm 2 đầu lân mới cùng một con rồng vàng dài 27m. Từ công sức khôi phục của người dân, nhiều năm nay múa lân, rồng cùng với biểu diễn võ gậy là hoạt động không thể thiếu với người dân làng La Ngạn trong lễ hội thỉnh kinh rước nước tại phủ Đại La tiên từ thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh vào mùng 2-3 hằng năm hay trong dịp rước giỗ tổ họ Đỗ. Khi vào hội, đội lân, rồng sẽ đi trước rước kiệu đi vòng quanh làng, ra sông thỉnh kinh rước nước, tham gia phần lễ để cầu Thánh mẫu Liễu Hạnh phù hộ cho dân làng quanh năm ấm no, ruộng đồng tươi tốt. Trong tiếng thanh la, não bạt, tiếng trống liên hồi, hình ảnh những tráng đinh rắn rỏi, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, vận trang phục màu đen, màu vàng, chân quấn xà cạp, thắt khăn mỏ dìu màu đỏ, tay cầm cây gậy tre đực già được hun qua lửa đen bóng múa gậy trước lân, rồng hay đấu gậy trở nên khỏe khoắn, mạnh mẽ, khiến người xem như hồi tưởng về chí khí kiên cường của cha ông trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Hiện nay, tiếng tăm của đội múa lân, rồng làng La Ngạn vượt ra khỏi làng, nhiều lần tham dự các sự kiện chính trị - xã hội lớn của xã và của huyện.

Hoạt động múa lân, rồng gắn với biểu diễn võ gậy người dân làng La Ngạn thể hiện sự khát khao về một cuộc sống thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc; góp phần vào việc khôi phục, bảo tồn và phát triển các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống của cha ông./.

Bài và ảnh: Thanh Ngọc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com