Không thể dung túng

08:11, 01/11/2013

Đội tuyển bóng đá U.22 Việt Nam đã bắt đầu hội quân tại Hà Nội để chuẩn bị cho Giải bóng đá BIDC Cup diễn ra ở Căm-pu-chia. Thành phần của đội tuyển U.22 quốc gia được triệu tập lần này gồm nòng cốt là đội U.21 vừa vô địch Giải bóng đá U.21 Quốc tế Báo Thanh Niên năm 2013. Tuy nhiên, hai cầu thủ vượt rào đi chơi đêm là Văn Công và Văn Thuận cũng như tiền đạo chủ lực Đình Bảo, người có cú sút “chém đinh, chặt sắt” đối với cầu thủ đội tuyển Ô-xtrây-li-a đã không có mặt. Ông Trương Hải Tùng, Trưởng ban các đội tuyển quốc gia của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cho biết: VFF không triệu tập 3 cầu thủ trên do họ là "nhân vật chính" trong mấy vụ việc lùm xùm vừa bị dư luận phản ứng thời gian vừa qua. Chính vì thế, để siết chặt kỷ cương, VFF sẵn sàng triệu tập những cầu thủ, dù có kém một chút về chuyên môn nhưng có đạo đức tốt thay thế cho những cầu thủ có hành vi bị dư luận lên án...

Đội U.21 vừa vô địch Giải bóng đá U.21 Quốc tế Báo Thanh Niên năm 2013. Ảnh: Internet
Đội U.21 vừa vô địch Giải bóng đá U.21 Quốc tế Báo Thanh Niên năm 2013. Ảnh: Internet

Hành động này của VFF đã được dư luận đồng tình ủng hộ, bởi không nên đưa vào đội tuyển quốc gia, dù ở cấp độ nào những cầu thủ chưa hoàn thiện về nhân cách, về lối ứng xử vì có thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến màu cờ, sắc áo của đội tuyển. Dư luận cũng cho rằng cần phải có những chế tài đủ mạnh để răn đe, uốn nắn các cầu thủ trẻ bởi họ là tương lai của bóng đá Việt Nam. Nếu không được uốn nắn kịp thời thì bóng đá Việt Nam sẽ lại phải trả giá đắt như đã từng xảy ra cơn bão tiêu cực tại SEA Games năm 2005; rồi thi thoảng lại phải giật mình khi hay tin cầu thủ này, cầu thủ kia bị đâm nơi vũ trường hoặc bị bắt về tội tàng trữ ma túy... Việc cầu thủ mặc áo đội tuyển vào vũ trường cũng xuất phát từ bản năng thấy thích thì làm mà không chịu suy nghĩ sâu xa hơn rằng khi khoác lên mình tấm áo của đội tuyển thì phải có trách nhiệm với tấm áo ấy. Giá như thế hệ cầu thủ đó cũng được giáo dục nghiêm khắc ngay từ khi còn mới tập làm quen với trái bóng, thì bóng đá Việt Nam đã không phải chứng kiến những cảnh đau lòng đến thế. Các CLB, trung tâm đào tạo bóng đá cần chú trọng huấn luyện các kỹ năng đá bóng, đồng thời đào tạo, giáo dục về đạo đức, lối sống, về cách đối nhân xử thế và các kiến thức về văn hóa, để họ phải ý thức được rằng TDTT nói chung và bóng đá nói riêng là văn hóa thể chất. Và, họ - những tuyển thủ quốc gia phải làm gì để khi thi đấu cũng như trong sinh hoạt phải thể hiện được văn hóa thể chất ấy.

Cánh cửa lên tuyển chắc chắn sẽ vẫn luôn rộng mở nếu các cầu thủ trên biết hối lỗi về hành động sai trái của mình, biết phấn đấu để giữ được phong độ tốt và tu dưỡng, rèn luyện đạo đức một cách nghiêm túc. Còn ngược lại với những cầu thủ chưa thành tài mà đã có tật thì cánh cửa đội tuyển quốc gia sẽ mãi đóng lại đối với họ./.

Khôi Nguyên (tổng hợp)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com