Giải bóng đá tỉnh năm 2013 thuộc Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VII-2013 bắt đầu khởi tranh vòng loại từ ngày 7-10 với 9 đội tuyển các huyện, thành phố, ngành tham gia. Qua thi đấu vòng bảng, đội tuyển bóng đá Thành phố Nam Định được giới chuyên môn, người hâm mộ đánh giá cao, là ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch Giải bóng đá năm nay.
Trận thi đấu bóng đá giữa 2 đội tuyển Thành phố Nam Định (áo vàng) với huyện Trực Ninh tại Giải bóng đá thuộc Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VII-2013. |
Đội tuyển bóng đá thành phố hiện tập hợp nhiều VĐV phong trào tài năng, trong đó có VĐV từng được đào tạo bài bản tại các trung tâm đào tạo VĐV bóng đá của tỉnh. So với các đội bóng của các huyện, ngành khác, lực lượng đội tuyển bóng đá thành phố mạnh đồng đều ở cả 3 tuyến với hàng tiền đạo gồm những cầu thủ nhỏ con nhưng nhanh nhẹn, có khả năng tận dụng cơ hội ghi bàn rất tốt; hàng tiền vệ, hàng thủ sở hữu những cầu thủ "to con", có sức mạnh tỳ đè. Vì vậy, đội tuyển Thành phố Nam Định dễ dàng giành vị trí đầu bảng C, Giải bóng đá tỉnh năm 2013, là đội tuyển đầu tiên lọt vào thi đấu bán kết tại SVĐ Thiên Trường. Sự xuất sắc của đội tuyển bóng đá thành phố tại Giải bóng đá tỉnh năm nay cộng với thành tích vô địch Giải bóng đá tỉnh năm 2012 chào mừng kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định cho thấy, môn bóng đá được thành phố phát triển rất tốt. Đồng chí Trần Minh Toàn, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT Thành phố Nam Định cho biết: “Mảnh đất Thành Nam tự hào là nơi sản sinh ra các thế hệ cầu thủ bóng đá tài năng của tỉnh. Kế thừa, phát huy truyền thống đó, những năm qua thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT, tích cực phát triển các môn thể thao mũi nhọn, trong đó có môn bóng đá”. Khó khăn về thiếu các sân chơi bóng đá đủ tiêu chuẩn, đặc biệt trong khu vực nội thành từng bước được khắc phục. Sau khi được UBND thành phố giao quản lý SVĐ Quảng trường Hòa Bình để cải tạo xây dựng sân chơi bóng đá thanh, thiếu niên, Trung tâm đã đẩy mạnh phương thức xã hội hóa huy động nguồn lực của người dân, nhất là những "fan" của bóng đá để xây dựng sân. Mặt sân được san lấp bằng phẳng, chăng lưới quanh sân phòng ngừa bóng bay ra đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Toàn bộ kinh phí thu được từ cho thuê sân bãi được Trung tâm đầu tư phát triển môn bóng đá và các môn thể thao khác. Mô hình quản lý sân bóng đá Quảng trường Hòa Bình được Tổng cục Thể thao (Bộ VH, TT và DL) đánh giá cao. Ở các xã, phường của thành phố, việc xây dựng sân chơi thể thao cũng nhận được sự quan tâm của nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương. Theo thống kê, đến nay có khoảng 1/3 số xã, phường của thành phố đã xây dựng sân bóng đá đủ tiêu chuẩn như các phường: Lộc Hạ, Lộc Vượng, Cửa Nam, các xã: Nam Vân, Nam Phong, Mỹ Xá... bước đầu đáp ứng được nhu cầu tập luyện, thi đấu của đông đảo thanh, thiếu niên. Tiêu biểu như SVĐ trung tâm xã Nam Vân được chính quyền, nhân dân xây dựng với diện tích gần 10.000m2 có trang bị khung gôn, cỏ được thường xuyên cắt gọn nên mỗi buổi chiều có đông thanh, thiếu niên trong xã đến tập luyện. Sân bóng đá phường Lộc Vượng được xây tường xung quanh, có chăng lưới, có nhà gửi xe, từ lâu đã trở thành điểm yêu thích tập luyện của thanh, thiếu niên các tổ dân phố và nhiều phường lân cận. Cùng với sự vào cuộc của các địa phương, trước nhu cầu phát triển phong trào bóng đá của thanh, thiếu niên thành phố, thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã đầu tư xây dựng 8 sân cỏ nhân tạo để cho người đam mê bóng đá thuê. Nhiều CLB bóng đá được thành lập. Trung tâm VH-TT-TT thành phố hiện quản lý 16 CLB bóng đá nằm trong Hội bóng đá phong trào Quảng trường Hòa Bình. Tại các xã, phường trên địa bàn thành phố còn có hàng chục CLB bóng đá sinh hoạt tại các phường, xã; tiêu biểu như CLB bóng đá các xã, phường: Nam Vân, Mỹ Xá, Lộc Vượng, Lộc Hạ...
Cùng với phát triển cơ sở vật chất và các thiết chế của bóng đá phong trào, những năm qua Trung tâm VH-TT-TT đã thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo VĐV bóng đá trong dịp hè cho học sinh để phát triển nguồn cầu thủ. Trong hè 2013, Trung tâm đã tổ chức 2 lớp với số lượng 30-35 học sinh/lớp tập buổi sáng tại sân Quảng trường Hòa Bình do giáo viên Nguyễn Đình Quý, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định là cộng tác viên thể thao của Trung tâm đảm nhận. Trong 1 tháng, các em học sinh được làm quen với các kỹ thuật cơ bản của môn bóng đá, phát triển thể lực… Ngoài hoạt động đào tạo, hằng năm Trung tâm cùng với các địa phương, các doanh nghiệp đã thường xuyên tổ chức các giải bóng đá tạo sân chơi bổ ích cho thanh, thiến niên và nhi đồng. Giải bóng đá thiếu niên Thành phố Nam Định ra đời cách đây hơn 20 năm đến nay vẫn được Trung tâm duy trì tổ chức vào dịp hè, thu hút đông đảo thiếu niên các xã, phường. Giải bóng đá các CLB phong trào do Hội bóng đá Quảng trường Hòa Bình tổ chức hằng năm cũng thu hút sự tham gia đông đảo của các CLB bóng đá doanh nghiệp trên địa bàn. Nhờ đẩy mạnh công tác xã hội hóa, một số doanh nghiệp đã liên kết với Trung tâm VH-TT-TT tổ chức giải bóng đá như Giải bóng đá phong trào các CLB tranh cúp VokaMen’s; Giải bóng đá cầu môn nhỏ do Cty TNHH Honda Thu Thủy tài trợ… Ở các xã và một số phường cũng duy trì tổ chức các giải bóng đá thanh, thiếu niên vào dịp hè để tạo sân chơi, giúp các em học sinh có những ngày hè bổ ích, lý thú, tránh xa các tệ nạn xã hội. Phong trào bóng đá của thành phố phát triển nên trong Đại hội TDTT các xã, phường lần thứ VII-2013 có tới 1/3 các đơn vị trong thành phố tổ chức giải bóng đá thanh, thiếu niên, qua đây tuyển chọn các VĐV tham gia giải bóng đá thuộc Đại hội TDTT lần thứ VII-2013 Thành phố Nam Định. Đây là cách làm hiệu quả mà các địa phương khác trong tỉnh cần tham khảo, học tập trong quá trình khôi phục, phát triển các môn thể thao thế mạnh./.
Bài và ảnh: Đức Minh