Hạ màn!

08:09, 06/09/2013

Mùa giải V-League 2013 khép lại bằng chức vô địch trên sân nhà của CLB Hà Nội T&T, trước sự hờ hững của khán giả nước nhà? Sự hờ hững không phải vì người hâm mộ không thừa nhận Hà Nội T&T vô địch mà vì họ mất niềm tin thật sự với bóng đá Việt Nam, với cách điều hành và cách tồn tại của nhiều đội bóng khoác lên mình chiếc áo chuyên nghiệp. Đây có lẽ là mùa giải có nhiều diễn biến bất thường nhất trong hơn 10 mùa giải bóng đá Việt Nam đi lên chuyên nghiệp. Có lẽ "đầu không xuôi nên đuôi chẳng lọt", nhìn lại mới thấy mùa giải 2013 đã phải lùi ngày khai mạc mùa giải tới 2 tháng vì có 3 đội bóng bỏ cuộc hoặc không thể dự giải. Trong suốt mùa giải diễn ra, nguy cơ các CLB bỏ giải cứ "treo lơ lửng" trên đầu Ban Tổ chức giải khi thì CLB Ninh Bình "doạ", lúc thì Thanh Hoá "nắn gân"; và cuối cùng điều mà VFF, VPF lo ngại nhất đã thành hiện thực khi CLB Xi măng Xuân Thành Sài Gòn đã bỏ giải khi bị Ban Kỷ luật V-League 2013 quyết định trừ 4 điểm khiến 2 vòng đấu cuối của mùa giải trở nên "vô vị". Trong khi ngôi vô địch đã có chủ thì ở phía cuối của bảng xếp hạng chẳng có đội bóng nào phải xuống hạng - một điều chưa từng có trong một giải đấu được coi là chuyên nghiệp bấy lâu nay(!).

Có lẽ những nhà điều hành bóng đá Việt Nam không thể trả lời được đâu là giá trị thật của bóng đá nước nhà hiện nay!? Dư luận cho rằng, đã đến lúc các nhà tổ chức và những nhà điều hành bóng đá phải thẳng thắn nhìn nhận vào sự thật, rằng V-League mấy lần suýt vỡ vì khâu tổ chức thì rối, trong khi người chơi thì thiếu chuyên nghiệp. Bóng đá chuyên nghiệp không phải là nơi mà các đội thích thì nhảy vào, không thích thì ra, hứng thì đá, không hứng thì bỏ. Muốn thế thì trước tiên VFF, VPF và Ban Tổ chức giải phải nghiêm. Bản thân V-League phải có những tiêu chuẩn rõ ràng, các đội phải chứng minh được năng lực tài chính của mình đến đâu, phải đóng tiền ký quỹ cỡ nào mới được đăng ký tham dự? Phải có hệ thống trẻ ra sao? Cơ sở vật chất như thế nào? Rõ ràng cách mà VFF, VPF đã làm bấy lâu nay là không còn phù hợp với thực tế diễn biến của đời sống bóng đá hiện nay. Để không còn tình trạng trên tiếp diễn thì những nhà điều hành bóng đá Việt Nam phải siết chặt mọi thứ ngay từ khâu đầu vào. Không thể biến các giải đấu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam thành cái chợ, để các CLB tham gia thi đấu theo kiểu “tùy hứng” thích thì chơi không thích thì bỏ giải.

Giờ là lúc mà những người làm bóng đá phải đưa ra những biện pháp mạnh tay, phải có những liệu pháp thích hợp để "nắn" các CLB đi đúng đường. Chỉ có cách đó mới cứu được bóng đá Việt Nam./.

Khôi Nguyên (tổng hợp)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com