Giải cầu lông tỉnh năm 2013 trong chương trình Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ VII năm 2013 được tổ chức vào cuối tháng 6-2013 đã để lại ấn tượng đẹp đối với giới chuyên môn và người hâm mộ khi chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các đơn vị cũng như các VĐV tham dự. Qua giải, vấn đề đặt ra là trên nền tảng cầu lông phong trào phát triển mạnh, cần có giải pháp để phát triển thành môn thể thao “mũi nhọn”.
Một trận đấu đôi nam tại Giải cầu lông tỉnh năm 2013. |
Giải cầu lông toàn tỉnh năm 2013 chỉ có gần 100 VĐV tham gia nhưng chất lượng các trận đấu diễn ra rất cao. Có 10 đơn vị tham dự giải gồm 8 huyện, thành phố và 2 ngành: Công an, GD và ĐT đều cử những VĐV xuất sắc nhất tham dự, tranh tài ở 5 nội dung: đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ, đơn nam, đơn nữ. Diễn biến tại Giải cầu lông toàn tỉnh năm 2013 cho thấy sự chênh lệch về trình độ giữa các đoàn VĐV không nhiều. Các trận đấu đều diễn ra quyết liệt, nhiều gương mặt VĐV trẻ đã bộc lộ khả năng, kỹ, chiến thuật phong phú. Bất ngờ lớn nhất của giải diễn ra tại trận chung kết đôi nam giữa đôi VĐV của huyện Nam Trực là Vũ Huy Toàn, Vũ Hoàng Việt và đôi Phạm Trung Hiến, Đỗ Lợi của Công an tỉnh. Mặc dù còn rất trẻ nhưng với kỹ thuật tốt, chiến thuật hợp lý, tâm lý thi đấu vững vàng, đôi nam của huyện Nam Trực đã giành chiến thắng thuyết phục trước đôi nam của Công an tỉnh. Tại nội dung đơn nam, VĐV Trần Anh Tùng của Thành phố Nam Định đã khẳng định được tài năng khi vượt qua nhiều đối thủ mạnh khác để giành chức vô địch. Nhiều đội đã chứng minh được sự phát triển vượt bậc của môn cầu lông như các huyện Nam Trực, Vụ Bản, Thành phố Nam Định... Đồng chí Trần Thị Minh Thu, đại diện BTC giải cho rằng, sự bứt phá của phong trào cầu lông các huyện, thành phố với việc “trình làng” các VĐV trẻ, tài năng cho thấy phong trào cầu lông ở tỉnh ta đang ngày càng phát triển sâu rộng. Thực tế, cầu lông là môn thể thao yêu thích của đông đảo người dân ở nhiều lứa tuổi trong tỉnh. Toàn tỉnh hiện có hàng chục nghìn người thường xuyên tham gia luyện tập môn cầu lông. Vì vậy, cơ sở vật chất cho hoạt động tập luyện cầu lông cũng được cấp uỷ, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị quan tâm đầu tư xây dựng. Hiện hầu hết các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có từ 3-5 sân cầu lông ngoài trời. Bên cạnh đó, hệ thống nhà tập luyện cầu lông hiện đại cũng được các ngành, địa phương quan tâm đầu tư xây dựng, thường xuyên nâng cấp, sửa chữa. Toàn tỉnh hiện có 275 nhà tập luyện thể thao, trong đó khoảng 2/3 dành cho hoạt động tập luyện, thi đấu cầu lông. Môn cầu lông được các ngành, các địa phương duy trì thường xuyên các hoạt động thi đấu vào các ngày lễ, dịp kỷ niệm ngành, ngày hội VH-TT của các địa phương, thu hút đông đảo VĐV và người dân tham gia.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, mặc dù phong trào cầu lông phát triển mạnh nhưng tỉnh ta không tham gia hệ thống các giải cầu lông quốc gia do Liên đoàn Cầu lông Việt Nam tổ chức. Trên thực tế, tỉnh ta không thiếu VĐV cầu lông tài năng song môn thể thao này không có trong chương trình đào tạo của Trường Nghiệp vụ TDTT Nam Định mặc dù nhà trường có HLV cầu lông được đào tạo cơ bản và hệ thống cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn quốc gia với Nhà thi đấu Trần Quốc Toản có 4 sân cầu lông hiện đại. Cầu lông là môn thể thao được tổ chức thường xuyên tại các giải quốc gia, quốc tế. Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014 do tỉnh ta đăng cai tổ chức, môn cầu lông được hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đăng ký cử VĐV tham gia. Việc bỏ bẵng không tham gia thi đấu cầu lông thành tích cao của thể thao tỉnh nhà sẽ rất lãng phí khi nền tảng cầu lông phong trào phát triển mạnh.
Từ những vấn đề nêu trên, ngành VH, TT và DL cần xây dựng kế hoạch đào tạo VĐV đồng bộ, ổn định ở 2 tuyến nghiệp dư và chuyên nghiệp. Trong đó, tuyến nghiệp dư chú trọng xây dựng các đội tuyển, VĐV vệ tinh ở các địa phương, các CLB có phong trào phát triển mạnh để tạo nguồn cung cấp VĐV cho tuyến chuyên nghiệp của tỉnh. Tuyến chuyên nghiệp cần xây dựng được đội ngũ giáo viên, HLV đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng chuyên môn. Bên cạnh đó, ngành VH, TT và DL, Liên đoàn Cầu lông tỉnh cần tích cực phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng cơ chế động viên, khuyến khích phát triển phong trào, tích cực đào tạo VĐV năng khiếu, tổ chức nhiều giải để động viên phong trào phát triển.
Trường Nghiệp vụ TDTT Nam Định cần xây dựng đội ngũ HLV, đào tạo các VĐV cầu lông thành tích cao để tham gia các giải cầu lông trong nước và quốc tế. Với các biện pháp đồng bộ trong tương lai, chắc chắn môn thể thao cầu lông thành tích cao của tỉnh sẽ có được vị thế xứng đáng trong nước./.
Bài và ảnh: Đức Thiện