"Xe tăng" Đức: Thần kỳ chuyện phục sinh

08:06, 27/06/2013

Hai câu chuyện của Bayern Munich và Dortmund cho chúng ta một cái nhìn hoàn toàn khác về cách làm bóng đá. Nói cách khác, đó chính là bài học không chỉ dành riêng cho các CLB châu Âu...

Phút giây phát cuồng của cầu thủ Bayern.
Phút giây phát cuồng của cầu thủ Bayern.

1. Thomas Edison sẽ không bao giờ có thể trở thành nhà phát minh vĩ đại nếu ông từ bỏ đam mê sau hơn 1.000 thí nghiệm thất bại. Thế giới sẽ chẳng có cái máy photocopy nào nếu như Chester Carlson bỏ đi sáng chế của mình khi mất tới 17 năm đi năn nỉ hàng chục công ty chấp nhận nó. Hay gần đây hơn, khi tuyển chọn phi hành gia, NASA (cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ) thường để ý những hồ sơ có tiền sử thất bại trong lí lịch. Chi có những người kiên nhẫn, chấp nhận thất bại để làm lại, không chịu suy sụp trước mỗi biến cố, người đó mới đủ mạnh mẽ để mở một cánh cửa mới. Bóng đá Đức cũng vậy. Họ cũng trải qua những thất bại nghiệt ngã và bị vùi dập trong đống tro tàn đổ nát. Nhưng sự khác biệt là nền bóng đá ấy biết chấp nhận mình là kẻ chiến bại, biết kiên nhẫn để tìm ra một hướng đi riêng.

Sau trận thua tan nát trước Brazil tại trận chung kết World Cup 2002 (0-2), Đức rơi vào một giai đoạn thoái trào khủng khiếp. Bị loại ê chề ở vòng bảng EURO 2004, Bundesliga trở thành giải đấu hạng 4 của châu Âu... Nhưng đó là lúc người Đức đưa mình vào phòng phẫu thuật, chấp nhận sống cùng với thất bại, kiên nhẫn chờ đợi để tái tạo. Một hệ thống mới hoàn toàn được xây dựng, từ cách tổ chức nền bóng đá, kết cấu CLB, mô hình đào tạo trẻ... Tất cả được vẽ lại với sự chỉ đạo, hỗ trợ từ Chính phủ và được coi là chiến lược mang tầm quốc gia với mục tiêu 10 năm. Nhưng chỉ sau bốn năm, cuộc đại phẫu đã mang đến thành công đầu tiên với hình hài mới hoàn toàn tại World Cup 2006, một vẻ đẹp dịu mát, tươi mới và đầy cảm xúc, thay thế cho nét cục mịch, lì lợm, thực dụng trước đây. Nhưng sự thay đổi đó chỉ là nửa vời bởi nó giàu biểu cảm nhưng vẫn chưa có thành tích...

2. Hôm nay, sau trận chung kết Champions League toàn Đức, Bayern Munich đang tận hưởng hương vị ngọt ngào của kẻ đứng trên đỉnh cao danh vọng. Nhưng ba năm trước, có ai cảm nhận được sự dày vò của kẻ đã hai lần thua cuộc? Khi đó Bayern đã làm gì? Thiết lập lại cơ cấu đội bóng, kiên nhẫn đặt niềm tin vào HLV Heynckes, người đã thua một trận không tưởng cách đây chỉ một năm trước Chelsea ngay tại sân nhà, thay vì cách sa thải như bất kỳ CLB Anh nào sẽ làm. Điều mà Heynckes và BLĐ Bayern làm sau trận thua Chelsea là: đề nghị báo chí không khơi lại nỗi đau đó, cấm cầu thủ, bất kỳ thành viên nào kể cả nhận viên dọn dẹp, thậm chí là cả vợ, bạn gái cầu thủ không nói về trận thua Chelsea. Họ ấp ủ nó, coi nó như động lực để chiến đấu, chứ không phải để dằn vặt. Heynckes không nghỉ ngơi, lao vào xây dựng đề án tái thiết tâm lý, lực lượng CLB. Ban lãnh đạo bổ sung nhân sự mới, các cầu thủ tập luyện tăng 20% công suất trong cả mùa giải. Và khi họ đánh bại Barca ở bán kết, hạ Dortmund tại Wembley, người Đức gọi đó là chức vô địch của sự kiên nhẫn, của "sức mạnh từ nỗi đau"!

Quyết liệt "phục thù" là tố chất của bóng đá Đức.

Nếu Bayern đứng lên từ những thất bại, thì Dortmund hồi sinh từ đống tro tàn. Dortmund chính là kẻ đi đầu trong cuộc cải tổ kinh tế với viễn cảnh tươi đẹp từ thị trường chứng khoán. Nhưng họ đã dính hàng loạt cú lừa ngoạn mục trước những trò mưu mẹo mang đầy chất mafia của thị trường hứa hẹn ấy. Kiếm được 10 đồng từ chứng khoán, Dortmund đầu tư 50 đồng cho chuyển nhượng, mua những ngôi sao đắt giá trang điểm cho sự hào nhoáng của mình. Năm 2004, Dortmund bị xúi vay tiền để tăng cường lực lượng bằng cách phát hành cổ phiếu mới. Kẻ đưa ra lời khuyên chết người đó là một tay mafia tài chính thực sự có tên Florian Homm. Những cổ phiếu mới được Homm thu mua. Khi tất cả đã nằm trong tay Homm, người ta mới phát hiện, đây là một nhân vật từng hai lần bị điều tra vì tội thao túng thị trường cổ phiếu và lừa đảo kinh tế. Điều khó tin là Chủ tịch của Dortmund khi đó là ông Niebaum, tiến sĩ, luật sư ngành thương mại tài chính. Dortmund đã bị Homm dắt mũi với mục tiêu là lọt vào ban quản trị, thâu tóm quyền lực ở đây. Cụ thể nhất là hợp đồng hợp tác giữa ông với Niebaum có điều khoản ác nghiệt: Chủ tịch Dorrtmund phải từ chức chậm nhất vào năm 2006 và Homm sẽ là thành viên của HĐQT.

Hệ quả của cuộc cách mạng kinh tế của Dorrtmund đã đưa họ đến bờ vực phá sản, suýt phải xuống hạng 3 năm 2005. Họ sống được nhờ sự hỗ trợ không thế chấp 2,5 triệu euro từ Bayern để bảo lãnh tồn tại. Trong suốt năm 2006, 2007, Dortmund cắt giảm chi phí đến mức tối đa. Các quan chức Dortmund cắt giảm lương tổng cộng 75%, mỗi cuộc họp chi phí ăn uống chỉ là bánh mì kẹp xúc xích, mà là loại thường có giá 0,5 euro/chiếc. Phông màn trang trí bị xóa sạch. Khi thi đấu trên sân khách, cầu thủ Dortmund di chuyển bằng xe bus, đi máy bay hạng siêu tiết kiệm, ở khách sạn tối đa là ba sao, chi phí mỗi phòng không quá 30 euro... Những quyết định chi tiêu tằn tiện đó không xứng với tầm vóc của Dortmund, nhưng họ vẫn làm và hài lòng với những gì mình có, để chờ ngày trở lại. Và chỉ năm năm sau, Dortmund vô địch Bundesliga hai năm liên tiếp. Với hành trình sống lại đó, Dortmund trở thành CLB được yêu quý nhất nước Đức. Và khi họ vào đến chung kết Champions League 2012/13, đó là thành quả vĩ đại mà không thể có một CLB thứ hai nào làm được. Thậm chí, chính CĐV Bayern sau khi chứng kiến Dortmund loại Real Madrid ở bán kết đã gửi tặng Dortmund một bức thư, một bức ảnh tỏ lòng ngưỡng mộ.

Với sự hồi sinh thần kỳ của Bayern Munich và Dortmund, bóng đá Đức đã dạy cho cả châu Âu một bài học lớn về sự sống từ trong cõi chết, về phẩm chất Đức, phẩm chất luôn coi không có điều gì là không thể.

Theo Nhân dân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com