Những năm gần đây môn cờ vua, cờ tướng được các ngành, địa phương trong tỉnh khuyến khích phát triển và trở thành một trong những môn thi đấu chính thức trong chương trình đại hội TDTT các cấp lần thứ VII năm 2013 của tỉnh.
Hiện nay, số lượng người chơi cờ tướng đa dạng về đối tượng, lứa tuổi. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay toàn tỉnh có khoảng 150/229 xã, phường, thị trấn đã thành lập CLB cờ tướng, trung bình mỗi CLB từ 20-30 người, lực lượng nòng cốt là hội viên Hội Người cao tuổi. Ngoài ra, còn hàng chục CLB cờ tướng ở các cơ quan, đoàn thể, CLB hưu trí… Ở huyện Nghĩa Hưng phong trào cờ tướng phát triển mạnh. Để tập hợp người yêu thích cờ tướng và nâng cao chất lượng chuyên môn, từ năm 1993 huyện Nghĩa Hưng đã thành lập CLB cờ tướng miền hạ. Đến nay, huyện có 2 CLB cấp miền (CLB cờ tướng miền thượng, CLB cờ tướng miền hạ) với trên 100 hội viên nòng cốt. Các CLB hoạt động theo phương thức xã hội hóa, hoàn toàn tự nguyện. Ở huyện Ý Yên, phong trào cờ tướng được sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền, đoàn thể từ huyện đến 32 xã, thị trấn. Toàn huyện hiện có trên 20 CLB cờ tướng ở các xã, thị trấn. Tiêu biểu là CLB cờ tướng đình Đá, xã Yên Cường với gần 20 hội viên Hội Người cao tuổi, cán bộ hưu trí thường xuyên duy trì các hoạt động thi đấu cờ thẻ, góp phần khôi phục nét đẹp thể thao truyền thống. Phong trào chơi cờ tướng còn lan rộng xuống các thôn, đội sản xuất của các xã: Yên Lộc, Yên Cường, Yên Nhân. Thôn La Xuyên, xã Yên Ninh có 3 CLB cờ tướng với hàng chục hội viên. Ở huyện Vụ Bản, thời gian qua, CLB cờ tướng các xã: Quang Trung, Thành Lợi, Liên Bảo, Kim Thái hoạt động rất mạnh, thường xuyên duy trì thi đấu giao hữu để nâng cao trình độ hội viên, khích lệ phong trào phát triển. Phong trào chơi cờ tướng luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhiều nơi, dưới sự chủ trì của cán bộ văn hóa - thể thao và Hội Người cao tuổi các giải đấu đã thường xuyên được tổ chức vào các dịp Ngày Người cao tuổi Việt Nam (1-10), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân (18-11), Ngày hội VH-TT của các huyện: Xuân Trường, Hải Hậu, Trực Ninh, Nghĩa Hưng tổ chức vào dịp Quốc khánh (2-9) hằng năm… Tại các giải đấu này, mặc dù giải thưởng không lớn về giá trị vật chất nhưng người tham gia đều tích cực tranh tài. Trong các lễ hội truyền thống nhiều hình thức thi đấu cờ tướng đa dạng, phong phú như thi đấu cờ bàn, cờ trình, cờ người… CLB cờ tướng thuộc Trung tâm VH-TT-TT Thành phố Nam Định duy trì tổ chức giải thi đấu cờ trình phục vụ nhân dân vào dịp đầu xuân tại quảng trường Hòa Bình, thi đấu cờ người tại lễ hội Đền Trần (tháng 8 âm lịch) đã thực sự trở thành điểm nhấn thu hút du khách trong và ngoài tỉnh khi đến lễ hội.
Thi đấu cờ vua tại Giải cờ vua, cờ tướng thuộc Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VII năm 2013. |
Khác với phong trào chơi cờ tướng phát triển trong đời sống nhân dân, môn cờ vua lại được ngành GD và ĐT tập trung phát triển mạnh trong nhà trường ở các cấp học từ tiểu học đến THPT với mục đích cho học sinh vừa giải trí sau những giờ học văn hóa căng thẳng, vừa nâng cao trí tuệ vì đây là môn thể thao rèn luyện tính tập trung, tư duy logic... Vào dịp nghỉ hè, các trường trên địa bàn Thành phố Nam Định còn phối hợp với Trung tâm VH-TT-TT thành phố mở các lớp bồi dưỡng cờ vua cho hàng trăm học sinh. Ở khối các trường THCS, THPT, các nhà trường đều bố trí thời gian hợp lý để tổ chức giải cờ vua, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Thầy giáo Trần Văn Huy, Trưởng bộ môn giáo dục thể chất - quốc phòng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP Nam Định) cho biết, vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12) hằng năm, nhà trường đều tổ chức giải cờ vua với sự tham gia của gần 100 học sinh ở hơn 40 lớp học. Các trận đấu thường được tổ chức vào các buổi học ngoại khóa. Giải đấu là cơ hội để bộ môn phát hiện, tuyển chọn học sinh có năng khiếu cờ vua tham gia kỳ thi học sinh giỏi TDTT do Sở GD và ĐT tổ chức vào cuối năm học. Theo thống kê của Sở GD và ĐT, trong kỳ thi học sinh giỏi TDTT do ngành tổ chức, nội dung cờ vua luôn thu hút trên 100 VĐV được tuyển chọn từ các trường tiểu học, THCS, THPT trong tỉnh. Các trường học ở các vùng, miền trong tỉnh đều có học sinh đạt giải cao, điều này cho thấy phong trào cờ vua học đường phát triển mạnh.
Ghi nhận tại đại hội TDTT các cấp trong tỉnh lần thứ VII năm 2013 đã và đang diễn ra tại các địa phương cho thấy, hầu hết các xã, phường, thị trấn trong tỉnh tổ chức đại hội TDTT cấp cơ sở đều có môn thi đấu cờ tướng, cờ vua. Để tổ chức tốt nội dung thi đấu này, các địa phương đều được Phòng VH-TT, Trung tâm VH-TT-TT giúp đỡ về chuyên môn, lực lượng trọng tài. Nội dung thi đấu cờ tướng, cờ vua tại Đại hội TDTT huyện Mỹ Lộc, Thành phố Nam Định được tổ chức, thu hút khá đông các VĐV tham dự từ người cao tuổi đến lứa tuổi học sinh. Tháng 5-2013, Giải cờ vua, cờ tướng tỉnh trong chương trình thi đấu tại Đại hội TDTT tỉnh đã diễn ra với khoảng 90 VĐV của 10 huyện, thành phố và 2 ngành Công an, GD và ĐT tham dự. Theo đánh giá của Ban tổ chức đại hội, chất lượng chuyên môn giải đấu khá cao, nhiều kỳ thủ có năng khiếu, hứa hẹn đạt thành tích cao nếu được huấn luyện đầy đủ.
Để phong trào cờ vua, cờ tướng tiếp tục phát triển, Sở VH, TT và DL, các huyện, thành phố cần quan tâm xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên cờ vua, cờ tướng để tạo nhiều sân chơi cho những người yêu thích bộ môn này. Ngành VH, TT và DL cần quan tâm tuyển chọn, đào tạo VĐV năng khiếu, phấn đấu giành thành tích cao tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014./.
Bài và ảnh: Đức Thiện