Người Việt Nam vốn hâm mộ bóng đá và có thể nói đây là môn thể thao được yêu chuộng bậc nhất.
Tuy nhiên, yêu đi kèm với tỉnh táo. Người hâm mộ không thể cứ đặt niềm tin cho sự giả dối, đặc biệt đối với trường hợp những "vị vua áo đen" chiếm vai trò tối quan trọng mỗi khi bóng lăn trên sân cỏ. Chúng ta từng rúng động vì các tuyển thủ trẻ bán độ ở SEA Games 23, nhưng có thể lý giải vì nhận thức, vì tuổi trẻ, vì hoàn cảnh này, hoàn cảnh nọ... nhưng khi các "vị vua" ở trên sân mà cũng để rơi vào nghi án "nhúng chàm" thì thật là một hiểm họa.
Trọng tài chính Ðinh Hải Dương, người đang có nghi án nhận hối lộ trận Thanh Hóa gặp Hoàng Anh Gia Lai. |
Có thể nói, thời điểm gần đây, vấn đề trọng tài đang trở nên nhức nhối thật sự khi không chỉ ở Việt Nam mà cả FIFA cũng phải đau đầu nhức óc để giải quyết. Thậm chí, báo giới quốc tế còn dùng từ "hiểm họa trọng tài" ở Conferderations Cup 2013 để nói đến những cái tên như En-rích-cơ Ốt-xê (Chi-lê), J.A-gu-la (En Xan-va-đo), Hai-mu-đi (An-giê-ri) hay I-ma-tốp (U-dơ-bê-ki-xtan)... đã cho thấy mức độ nghiêm trọng mà những vị vua này có thể đem lại cho bóng đá nếu họ mắc sai sót. Tuy nhiên, trong những trường hợp này, các vị vua áo đen chỉ bị chỉ trích vì chuyên môn kém chứ chẳng ai dám "bình luận" về tinh thần trách nhiệm hay sự trong sạch của những người dự đoán sẽ được cầm còi ở World Cup 2014 Bra-xin. Quay trở lại Việt Nam, chưa bao giờ người ta thấy sự tin tưởng bị lung lay dữ dội như vậy khi sau các cầu thủ, giờ đây trọng tài cũng đang vướng vào nghi án có hay không sự tồn tại của một "sòng bài" quanh sân cỏ?
100 triệu đồng hối lộ cùng tổ trọng tài trận Thanh Hóa gặp Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) thuộc vòng ba Giải bóng đá vô địch quốc gia V-League 2013: Ðinh Hải Dương, Kiều Việt Hùng, Phạm Ðắc Chiến và Ðỗ Mạnh Hà là những "nhân vật" chính trong câu chuyện nghi án "ăn đút lót" tốn rất nhiều giấy mực của dư luận bóng đá nước ta những ngày qua. Số tiền này không còn nằm trong khung "bồi dưỡng" mà từ lâu các nhà làm bóng đá nhận định "có thể chấp nhận được" và "trong quy định" để góp phần tăng thu nhập cho giới trọng tài. Cần nhớ lại vài năm trước, khi ông bầu của HAGL Ðoàn Nguyên Ðức từng bị dư luận "đánh giá lên, đánh giá xuống" khi hào phóng biếu tiền Tết cho trọng tài tận... 200 USD thì 100 triệu đồng (khoảng hơn 4.700 USD) giờ đây là con số giật mình và không thể chấp nhận được.
Mặc dù vậy, cả bốn "vị vua áo đen" trên khi viết bản tường trình đều phủ nhận việc nhận tiền bồi dưỡng trái quy định. Trong khi đó, Thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã ra quyết định tạm đình chỉ nhiệm vụ đối với Trưởng ban Trọng tài VFF Dương Vũ Lâm và Phó trưởng ban Trọng tài VFF Ðoàn Phú Tấn vì cho rằng ban này có dấu hiệu bưng bít thông tin, cố tình che giấu và xử lý nội bộ vụ việc mà không báo cáo cho lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Ngày 11-6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) của Bộ Công an đã chính thức vào cuộc để làm rõ trắng đen, trong đó có việc chứng minh sự tồn tại của băng ghi âm cuộc nói chuyện giữa trọng tài chính Ðinh Hải Dương và "ông thầy" của mình Ðoàn Phú Tấn về việc được nhận 50 triệu đồng từ một người lạ mà nguyên Trưởng ban Trọng tài VFF Dương Vũ Lâm khẳng định đã thu âm lại được? Nhưng về phần mình, ông Hải Dương vẫn một mực khẳng định chỉ "nói chuyện đùa" trong cuộc gọi nọ và đòi đối chất với ông Vũ Lâm (?).
Cuộc cải cách mang lại sự trong sạch cho bóng đá Việt Nam thời gian qua đang cho thấy nhiều nỗ lực đến từ nhà quản lý, nhất là sau vụ bê bối lớn nhất của giới cầm còi Việt Nam hồi năm 2007 khi các trọng tài mà cầm đầu là Lương Trung Việt bị tuyên án tội môi giới và nhận hối lộ. Nhưng nếu nghi vấn trên được chứng minh là có thật sẽ lại dội một gáo nước lạnh vào chính những nỗ lực đó. Mà nếu có không đúng đi chăng nữa, niềm tin của người hâm mộ sẽ ra sao khi các vị trọng tài cho rằng họ có thể nói ra một vài câu bông đùa cợt nhả liên quan đến danh dự, phẩm chất của những người "cầm cân nẩy mực" trên sân cỏ dễ dàng đến như vậy? Cuối cùng, chỉ có người yêu bóng đá thất vọng và thiệt thòi mà thôi.
Theo Nhân dân