Đảm bảo an toàn trong tập luyện patin

07:04, 19/04/2013

Xuất hiện ở tỉnh ta từ cuối thập kỷ 90 nhưng môn trượt patin chỉ phát triển mạnh từ năm 2010 đến nay, thu hút khá đông thanh, thiếu niên tìm đến. Bên cạnh những tác dụng rèn luyện thân thể tương đương với chạy bộ và aerobic giúp người tập nâng cao thể lực, sự dẻo dai của cơ bắp, đốt cháy lượng mỡ dư thừa, bảo đảm hoạt động của hệ tim mạch, hệ hô hấp, trượt patin còn mang lại cho người tập có cảm giác “mạnh” khi “vi vu” trên đường trượt nên rất được học sinh ưa chuộng. Theo thống kê của Phòng Nghiệp vụ TDTT (Sở VH, TT và DL), năm 2012 là thời điểm phong trào trượt patin trong tỉnh phát triển mạnh nhất với số lượng khoảng 100 điểm, nhóm, CLB trượt patin, trong đó tập trung đông tại các huyện ven biển: Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Thành phố Nam Định với hàng nghìn thanh, thiếu niên tham gia tập thường xuyên vào buổi chiều, tối các ngày thường, trong các ngày lễ, ngày nghỉ. Tuy nhiên do phát triển tự phát nên phần lớn các điểm, nhóm trượt patin này đều do tư nhân tự đầu tư xây dựng cơ sở vật chất sàn trượt, dãy vật cản, lắp đặt âm thanh, ánh sáng… Công tác quản lý cũng như sự quan tâm của ngành chức năng trước sự phát triển của môn thể thao này còn hạn chế dẫn đến nhiều người tập, nhất là học sinh “biến lòng đường thành sân trượt” ở những quãng đường nhẵn, vắng phương tiện đi lại. Do vậy, trượt patin cũng gây lo lắng cho các bậc phụ huynh bởi nguy cơ gây chấn thương.

Hướng dẫn tập các động tác cơ bản trong trượt patin tại lớp tập huấn “Hướng dẫn viên môn trượt patin” do Sở VH, TT và DL, Vụ Thể thao quần chúng (Tổng cục TDTT) tổ chức tại huyện Xuân Trường năm 2013.
Hướng dẫn tập các động tác cơ bản trong trượt patin tại lớp tập huấn “Hướng dẫn viên môn trượt patin” do Sở VH, TT và DL, Vụ Thể thao quần chúng (Tổng cục TDTT) tổ chức tại huyện Xuân Trường năm 2013.

Em Trần Văn Hiếu, học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Nam Định) đã chơi môn thể thao này gần 2 năm cho biết: Trượt patin là môn thể thao đòi hỏi sự khéo léo, người chơi phải thành thạo các kỹ thuật cơ bản từ giữ thăng bằng trên giầy trượt, phân phối tốc độ khi di chuyển, phải biết phối hợp nhịp nhàng giữa tay, chân, đầu gối, mắt và tư thế của thân, sau khi nắm được các kỹ thuật cơ bản, mới có thể thực hiện các động tác khó như trượt lùi, vượt qua các chướng ngại vật... Để tránh chấn thương, người chơi phải có kiến thức về kỹ thuật trượt, đồng thời trang bị dụng cụ bảo đảm an toàn như lót đệm tay, chân, mũ bảo hiểm. Song trên thực tế theo khảo sát của chúng tôi, hầu như ở các điểm trượt patin không có sự hướng dẫn của người có trình độ nghiệp vụ, người mới chơi chỉ học chủ yếu theo kiểu truyền tay từ những người đi trước. Nhiều người tập không trang bị mũ bảo hiểm, lót khuỷu tay, đầu gối… vì những vật dụng này khá đắt đối với “ngân sách” của học sinh, sinh viên và là nguồn kinh phí khá tốn kém khi đầu tư các điểm tập nên thường bị chủ cơ sở bỏ qua. Tại khu vực đường Cột Cờ (TP Nam Định), chúng tôi đã chứng kiến nhiều học sinh mới học trượt patin, không biết giữ thăng bằng nên thường bị ngã, gây trầy xước  chân tay. Một số em trượt thành thạo khi thể hiện những động tác khó như trượt chéo chân, trượt bằng một chân, đánh võng giữa đường với tốc độ rất cao… khi bị ngã do không có trang bị bảo vệ có thể dẫn đến bị trượt cổ chân sai khớp... Đặc biệt có thời điểm trên một số tuyến phố của Thành phố Nam Định có đông phương tiện lưu thông như: Trần Hưng Đạo, Văn Cao, Trường Chinh, Nguyễn Du, nhiều thanh niên trượt patin tốc độ cao, đánh võng, thậm chí tổ chức đua patin gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và chính bản thân các em. Chính vì thiếu người hướng dẫn và không đảm bảo đủ các yếu tố an toàn, nhiều nhà trường, phụ huynh đã không cho học sinh tập luyện.

Trước sự phát triển thiếu ổn định của phong trào trượt patin, ngành VH, TT và DL đã bước đầu triển khai các biện pháp tăng cường quản lý, bảo đảm các điều kiện an toàn cho người tập. Từ ngày 22 đến ngày 24-1-2013, Sở VH, TT và DL, Vụ Thể thao quần chúng (Tổng cục TDTT) đã phối hợp tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn viên môn trượt patin tại huyện Xuân Trường cho 50 học viên ở các huyện: Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng về các kỹ thuật cơ bản của môn trượt patin, cách hạn chế các chấn thương trong quá trình tập luyện để những người này hướng dẫn lại cho bạn bè, những người cùng tập luyện môn thể thao này. Ngoài ra, Sở VH, TT và DL hiện đang chỉ đạo Phòng VH các huyện, thành phố tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư phát triển môn thể thao trượt patin, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các điểm, nhóm, CLB patin phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định về diện tích, ánh sáng, dụng cụ phòng tránh chấn thương, có tủ thuốc y tế để cấp cứu kịp thời cho người chơi, có người hướng dẫn kỹ thuật. Phòng VH các huyện, thành phố cần phối hợp với các trường THCS, THPT trên địa bàn để phổ biến kỹ thuật trượt patin trong các giờ học thể chất, tuyên truyền, giáo dục học sinh không trượt patin dưới lòng đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông; khuyến khích các địa phương tổ chức các hoạt động giao lưu thi đấu trượt patin trong tỉnh, tạo điều kiện cho môn thể thao này ngày càng phát triển./.

Bài và ảnh: Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com