Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ GD và ĐT về triển khai công tác phòng, chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường học đến năm 2015, từ năm 2010 đến nay, công tác dạy bơi phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh đã được các ngành, các địa phương trong tỉnh tích cực triển khai và đã đạt kết quả bước đầu.
Tại Thành phố Nam Định từ năm 2010 đến nay, vào dịp hè các trường THCS, THPT phối hợp với Trường Nghiệp vụ TDTT tỉnh tổ chức các lớp dạy bơi cho học sinh, thu hút sự quan tâm hưởng ứng của đông đảo phụ huynh và học sinh. Trung bình, mỗi năm Trường Nghiệp vụ TDTT tỉnh tổ chức dạy bơi từ 2.000-3.000 học sinh. Dưới sự hướng dẫn của các HLV, sau 5-8 buổi học các em có thể bơi được các nội dung như: trườn sấp, bơi ngửa, bơi ếch. Dự kiến, hè năm nay, Trường Nghiệp vụ TDTT tỉnh sẽ dạy bơi cho khoảng 3.000 học sinh các trường học và 400-500 thanh, thiếu niên trên địa bàn thành phố; qua đó sẽ phát hiện, tuyển chọn các VĐV có năng khiếu bơi lội để tiếp tục đào tạo, huấn luyện. Ngoài Trường Nghiệp vụ TDTT tỉnh, trong dịp hè, các bể bơi trên địa bàn thành phố như: Bể bơi Nhà văn hóa thiếu nhi thành phố, bể bơi tư nhân Thắng Lợi cũng tận dụng tối đa thời gian để mở các lớp dạy bơi cho thanh, thiếu niên trên địa bàn. Đồng chí Trần Minh Toàn, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT thành phố cho biết, hè năm 2012, Trung tâm đã tổ chức dạy bơi tại bể bơi tư nhân Thắng Lợi cho học sinh khối lớp 10 Trường THPT Trần Quang Khải, khối lớp 6 Trường THCS Lương Thế Vinh, khối lớp 4 Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân. Hè năm 2013, Trung tâm sẽ phối hợp với Phòng GD và ĐT thành phố tiếp tục phối hợp với bể bơi Thắng Lợi tổ chức dạy bơi cho học sinh ở 3 trường học.
Dạy bơi cho học sinh THPT tại Bể bơi Trần Khánh Dư (TP Nam Định). |
Phong trào dạy bơi phòng, chống tai nạn đuối nước cho thanh, thiếu niên cũng đang được các địa phương trong tỉnh tích cực triển khai. Huyện Nghĩa Hưng có truyền thống về môn thể thao bơi lội, cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức dạy bơi cho thanh, thiếu niên, đồng thời phát hiện nhiều VĐV năng khiếu để bổ sung lực lượng cho môn thể thao mũi nhọn của huyện. Để đáp ứng nhu cầu tập luyện thể thao nâng cao sức khỏe của nhân dân và dạy bơi cho thanh, thiếu niên, từ năm 2011 xã Nghĩa Phú đã xây dựng lại bể bơi dài 50m, rộng 18m, mặt đáy và thành bể được lát bằng gạch men trắng, có hệ thống xử lý nước hợp vệ sinh với tổng giá trị khoảng 3 tỷ đồng. Năm 2012, bể bơi của xã đã tiếp nhận hàng trăm thanh, thiếu niên các xã miền hạ trong huyện đến học bơi. Qua khảo sát, các em sau khi học đã nắm chắc các kỹ năng xử lý tình huống dưới nước và cách phòng tránh tai nạn đuối nước cho bản thân… Chuẩn bị cho việc thi đấu môn bơi lội trong Đại hội TDTT huyện lần thứ VII năm 2013, huyện Nghĩa Hưng đã đầu tư sửa chữa bể bơi trung tâm huyện, đồng thời xây thêm một bể bơi dài 25m, rộng 10m trong khu liên hiệp thể thao, hứa hẹn sẽ là sân chơi bổ ích, lý thú, thu hút đông học sinh các xã, thị trấn miền thượng của huyện. Ở huyện Giao Thủy, trong đó xã Giao Hà hoạt động dạy và học bơi cũng thu hút đông thanh, thiếu niên tham gia. Trong ngày hội VH-TT huyện Hải Hậu, nhiều năm nay đều duy trì tổ chức giải bơi thanh, thiếu niên thu hút rất đông các VĐV tham dự, góp phần thúc đẩy phong trào bơi lội của các xã, thị trấn phát triển. Hải Chính là xã ven biển, có nhiều ao, hồ nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước. Từ hè năm 2012, được sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã, Đoàn Thanh niên xã đã tổ chức lớp học bơi cho 90 thiếu nhi trong xã. Các em không chỉ được trang bị kỹ năng bơi mà còn được giảng dạy những kiến thức phòng chống tai nạn đuối nước, được nhiều cha mẹ học sinh ủng hộ. Tiếp tục triển khai việc phổ cập bơi, trong dịp hè năm nay, Đoàn Thanh niên xã sẽ dạy bơi cho thiếu nhi nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tai nạn đuối nước xảy ra.
Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có khoảng gần 7.000 học sinh được dạy bơi, phòng, chống tai nạn đuối nước do ngành VH, TT và DL, ngành GD và ĐT và các địa phương tổ chức. Nhờ vậy, số vụ tai nạn đuối nước trong thanh, thiếu niên, học sinh đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, các vụ tai nạn đuối nước trẻ em còn cao, nhiều vụ tai nạn đuối nước dẫn đến tử vong. Do vậy công tác dạy bơi phòng, chống tai nạn đuối nước cần được các ngành, các cấp, các địa phương quan tâm, tích cực triển khai, huy động các nguồn lực xã hội xây dựng thêm bể bơi, đào tạo hướng dẫn viên, cộng tác viên, tổ chức nhiều lớp học bơi, hạn chế thấp nhất các trường hợp trẻ em bị tai nạn đuối nước./.
Bài và ảnh: Đức Thiện