Nhiều năm qua, kể từ khi Giải bóng đá vô địch quốc gia (V-League) khai sinh, chuyên nghiệp hóa xem ra vẫn chỉ là giấc mơ của những người làm bóng đá và nhất là của những người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Ðã có lúc, một số vị lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) vỗ ngực tự tin rằng: "V-League hấp dẫn nhất Ðông - Nam Á" nhưng sau cơ man những thất bại và bê bối, bóng đá nước nhà vẫn giậm chân tại chỗ...
Sau 12 năm "lên chuyên", giải đấu cao nhất V-League đang lâm vào khủng hoảng, mất đi sự hấp dẫn, tính đua tranh so với những năm đầu và lớp vỏ chuyên nghiệp xem ra hãy còn quá nặng. Vài năm qua, chưa bao giờ cụm từ "chuyên nghiệp hóa" lại được nhắc đến nhiều đến vậy. Nhưng có một điều: phàm thứ gì được nói đến nhiều lại là thứ người ta đang thiếu nhất. Thiếu chuyên nghiệp ư? Với bóng đá Việt Nam, đó là sự thật gây bức xúc nhất.
Thực trạng ê chề
Ðầu tiên là thiếu chuyên nghiệp trong tổ chức, điều hành giải đấu. Sau mùa giải ầm ĩ năm 2009 với cú hích từ chức vô địch AFF Cup 2008 của đội tuyển (ÐT) quốc gia, V-League dần đi vào thoái trào cùng với đà tụt dốc của các ÐT trên đấu trường khu vực, từ AFF Cup đến Sea Games. Những khối mâu thuẫn lớn bắt đầu xung đột và cả một hệ thống bắt đầu lung lay. Năm 2011, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) buộc phải từ bỏ quyền điều hành giải đấu cao nhất sau cả chục năm độc quyền, rồi chuyển giao "di tích" V-League cho Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Những tưởng đây sẽ là bước ngoặt cho bóng đá nước nhà thì ngay trong mùa giải đầu tiên điều hành V-League, VPF đã phải đối diện với vô vàn thử thách.
Cuối mùa bóng 2012, V-League đã trở nên lung lay theo sự lao đao của các ông bầu bởi lý do kinh tế khó khăn, cho thấy sự phụ thuộc quá mức của nền bóng đá nước nhà vào cá nhân những ông bầu. Ðầu tiên là chuyện các ông bầu thoái vốn, rồi rút chạy hàng loạt khỏi bóng đá khiến những đội bóng vốn sống nhờ "bầu sữa" tài chính của họ điêu đứng, khốn cùng. Bầu Hiển (Hà Nội T&T và SHB Ðà Nẵng), bầu Trường (Ninh Bình), bầu Thọ (Navibank Sài Gòn), bầu Thụy (XMXT Sài Gòn), bầu Tiến Anh (Khatoco Khánh Hòa)... vì nhiều lý do khác nhau, lần lượt bỏ bóng đá, trong đó đáng nói nhất là tác động tai hại của việc bầu Kiên (CLB bóng đá Hà Nội) bị bắt khiến đội bóng lừng danh một thời phải giải thể. Hệ quả là có tới bảy câu lạc bộ (CLB) phải tuyên bố giải thể (ba đội ở V-League và bốn đội ở Giải hạng nhất) kéo theo khoảng 150 cầu thủ bị "đẩy ra đường". Lần đầu trong lịch sử tồn tại của mình, V-League phải hoãn ngày khởi tranh tới hơn hai tháng và chỉ mới bắt đầu vòng một vào cuối tuần qua. Cũng chẳng ở đâu như nước ta, khi một đội bóng bị xuống hạng thì sẵn sàng "đổi tên, thay họ" mua suất của đội khác để trụ lại giải vô địch quốc gia và hiện tượng đó đã trở thành thường xuyên.
Hậu vệ Quốc Long và thủ môn Ngọc Tú (đội Hà Nội T&T) có lời lẽ và hành vi thô tục với phóng viên trong trận tranh Cúp Quốc gia 2012. |
Hiện tại, V-League 2013 chỉ có 12 đội bóng tham dự, nghĩa là đúng bằng con số cách đây... mười năm! Giải hạng nhất thậm chí còn thê thảm hơn với chỉ vỏn vẹn tám đội. Ở V-League, sẽ chỉ có một đội bóng xuống hạng. Trong khi đó, giải hạng nhất sẽ có tới ba đội được quyền thăng hạng mà không có bất kỳ đội nào phải xuống hạng. Rõ ràng, đơn vị tổ chức giải chỉ đang cố xoay xở, "giật gấu vá vai" để làm sao Giải V-League đủ quân số mà "xem nhẹ" việc quan tâm đến chất lượng các giải đấu. Thử hỏi một giải đấu không có đội nào (hoặc cùng lắm chỉ một đội) phải xuống hạng thì còn đâu hấp dẫn và sẽ trở nên vô thưởng vô phạt đến chừng nào? Chưa hết, sau một phen điêu đứng, ngỡ rằng những người có trách nhiệm của bóng đá Việt Nam đã có thể thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng V-League cũng có thể khai màn thì ngay trước thềm mùa giải mới lại "bùng nổ" xì-căng-đan thông tin. Lần này là nghi án bán độ trong trận tranh Siêu Cúp quốc gia giữa Xi-măng Xuân Thành Sài Gòn và SHB Ðà Nẵng mới đây. Chỉ một vài tin nhắn nặc danh mà cũng có sức mạnh khiến đơn vị tổ chức giải là VPF phải cuống cuồng nhờ cơ quan an ninh vào cuộc điều tra gấp thì đủ biết cái uy của một nền bóng đá đã mong manh đến mức nào!
Sự chuyên nghiệp hóa nửa vời, "đầu Ngô, mình Sở" của bóng đá Việt Nam thậm chí còn đậm nét hơn cả ở khâu quan trọng nhất: quản lý và đào tạo con người. Sự thiếu chuyên nghiệp và rào cản dân trí, văn hóa của cầu thủ Việt Nam trong và ngoài sân cỏ đã bôi trát lên hình ảnh bóng đá nước nhà những tì vết không dễ tẩy xóa. Hàng loạt vụ bê bối liên quan tới các cầu thủ dồn dập xảy ra trong năm vừa rồi: Huy Hoàng lắc lư nghi là "phê thuốc" trên ô-tô rồi gây tai nạn; Hồng Việt va chạm với côn đồ, bị chém; hai cầu thủ của Hà Nội T&T (Quốc Long, Ngọc Tú) giơ ngón tay, chửi bới, hăm dọa phóng viên tác nghiệp trên sân; Danh Ngọc thóa mạ trọng tài Quốc Hưng sau khi bị truất quyền thi đấu, rồi vụ cầu thủ Nguyễn Thành Trung gạ gẫm các cầu thủ Ðồng Tâm Long An bán độ, v.v. Ðó là chưa kể, trong thất bại của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2012, hàng loạt cầu thủ trụ cột bị dư luận chỉ trích vì có biểu hiện bệnh "ngôi sao", không đá hết mình vì mầu cờ sắc áo. Nhưng lỗi không hoàn toàn thuộc về bản thân cầu thủ mà còn ở cách quản lý thiếu trách nhiệm của câu lạc bộ và Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Sự thiếu trách nhiệm ở đây không chỉ là ở việc đùn đẩy, đổ lỗi cho người khác, cho ban huấn luyện, cho các cầu thủ và những nguyên nhân khách quan khác sau các thất bại của đội tuyển mà còn ở cả việc đưa ra những thông tin "nhiễu loạn" làm lạc hướng dư luận từ lãnh đạo VFF, khi thì bảo có, lúc lại bảo không có "danh sách đen" cầu thủ ở Giải AFF Cup 2012 vừa qua. Cũng thật khó tin có một giải vô địch quốc gia nào sau hơn một thập kỷ tồn tại mà vẫn chưa có nổi một cơ quan phụ trách kiểm tra và phòng, chống đô-pinh có nghề. Thế thì thật khó mà trách vì sao cầu thủ bây giờ khó làm chủ mình với các cám dỗ như vậy!
Muốn chuyên nghiệp phải mạnh tay đổi mới
Còn nhớ, hồi đầu tháng 10 năm ngoái, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã cử người đến khảo sát cơ cấu, tổ chức của 14 đội bóng ở V-League. Kết quả là chỉ có duy nhất Becamex Bình Dương đạt chuẩn chuyên nghiệp hạng A của AFC, nghĩa là có thể dự AFC Champions League. Sau 12 năm hô hào làm bóng đá chuyên nghiệp, đây là sự thật đáng buồn cho bóng đá Việt Nam với nhiều mỹ từ vốn dĩ không thực tế. Hơn lúc nào hết, V-League cần phải sống thành thực với bản chất của mình. Một cuộc thay đổi là điều cần thiết lúc này.
Công bằng mà nói, thời gian qua, Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF) đã có những nỗ lực nhất định để vực lại bóng đá Việt Nam và niềm tin của người hâm mộ. Thành lập Ban tư vấn đạo đức, rồi thuê chuyên gia người Nhật Bản Ka-du-y-ô-si Ta-na-bê tham gia tư vấn và hoạch định hướng phát triển, VPF dường như đang cố gắng tổ chức "phẫu thuật" cứu bóng đá nước nhà mà trước tiên là giải đấu cao nhất V-League. Chặng đường đưa bóng đá tiến lên chuyên nghiệp thật sự còn dài nhưng không vì thế mà những người làm bóng đá được phép thong dong. Hãy còn quá nhiều khuyết, nhược điểm mà bóng đá Việt Nam cần phải cải tổ. Muốn lên chuyên nghiệp thì trước nhất, quan trọng nhất là phải tự chủ về kinh tế. Tự chủ kinh tế để không phải chạy theo ngửa tay xin tiền các ông bầu "sớm nắng chiều mưa". Khi một CLB đã có được một nền tảng tài chính ổn định, có thể tự mình "lấy bóng đá nuôi bóng đá" thì cũng là lúc cánh cửa chuyên nghiệp đã mở ra trước mắt. Thêm một đội bóng vươn lên là cả giải đấu cũng trở nên chuyên nghiệp dần. Ðiều quan trọng để một nền bóng đá phát triển bền vững chính là sự quan tâm đào tạo và bồi dưỡng những tài năng bóng đá trẻ, xây dựng những lớp cầu thủ thật sự chuyên nghiệp, trong đó không chỉ chú trọng đào tạo chuyên môn mà còn giáo dục về ý thức, về kiến thức văn hóa, thái độ ứng xử và những phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Ðồng thời cũng cần từng bước hình thành một hệ thống những quy định chế tài đầy đủ, hoàn chỉnh để có hình thức xử phạt rõ ràng, đủ sức nặng để buộc các câu lạc bộ, các cầu thủ phải tuân thủ nghiêm túc. "Thành Rome không xây trong một ngày", bóng đá Nhật Bản mà chúng ta đang học tập chỉ mất đúng mười năm để vươn tới tầm thế giới (từ lúc J-League ra đời năm 1992 đến World Cup 2002), nhưng đằng sau điều thần kỳ đó là hàng chục năm học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, mạnh tay "đổi mới" nền bóng đá. Liệu những người làm bóng đá Việt Nam thật sự có trách nhiệm và có dám một lần dũng cảm dấn thân?
Theo nhandan.com.vn