Đi tìm CEO

07:01, 11/01/2013

Thuật ngữ CEO trong bóng đá được hiểu là một giám đốc điều hành, là "kiến trúc sư trưởng” của một nền bóng đá. CEO không chỉ tổ chức, điều hành các giải đấu, cố vấn giải pháp mà còn hoạch định chiến lược, giúp cho mỗi giải đấu có thể tồn tại và phát triển.

CEO người Nhật Bản -Kazuyoshi Tanabe,  đang được kỳ vọng tái thiết lại bóng đá Việt Nam sau cơn khủng hoảng

CEO người Nhật Bản - Kazuyoshi Tanabe, đang được kỳ vọng tái thiết lại bóng đá Việt Nam sau cơn khủng hoảng.
Ảnh: Internet

Công tác chuyên môn luôn là yếu tố sống còn của cả một nền bóng đá nói chung và đội tuyển nói riêng, vậy mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) suốt 10 năm qua, đã không làm tới nơi, tới chốn. Sau thất bại của đội tuyển bóng đá Việt Nam tại AFF Cup 2012, chính VFF thừa nhận thời gian qua không có ai làm công tác chuyên môn, do ông Phạm Ngọc Viễn, Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn phải đầu tư cho Cty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) trong vai trò Tổng Giám đốc, còn Phòng Các đội tuyển quốc gia và Đào tạo thì hoạt động thiếu hiệu quả. Tiếng là Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn của VFF, nhưng thời gian qua, những dấu ấn của ông Phạm Ngọc Viễn là quá mờ nhạt. Từ chuyện tuyển chọn các HLV đến các kế hoạch xây dựng chiến lược cho các đội tuyển, ông Viễn đều chưa cho thấy vai trò của mình. Trước đó, ông Viễn được kỳ vọng rất nhiều, bởi trong làng bóng Việt Nam, ông là người được đánh giá có chuyên môn cao. Thế nhưng, sau khi VPF ra đời, ông Viễn gần như chuyển hẳn sang Cty này, để lại khoảng trống lớn ở VFF. Không chỉ có ông Viễn, mà các bộ phận chuyên môn khác của VFF cũng thể hiện rõ sự yếu kém, hoạt động chồng chéo. Đơn vị tham mưu cho lãnh đạo VFF và HLV trưởng các ĐTQG là Phòng Các đội tuyển quốc gia và Đào tạo gần như mất hút ở VFF. Tiếng là HLV trưởng được quyền lựa chọn cầu thủ, nhưng tất cả đều phải "qua tay” Phòng Các đội tuyển quốc gia và Đào tạo. Chưa kể, mọi kế hoạch tập huấn, chuẩn bị hậu cần... cũng được phòng này thông qua. Tuy nhiên, người đứng đầu của Phòng Các đội tuyển quốc gia và Đào tạo là ông Trương Hải Tùng (vị trí tương đương với chức danh Giám đốc kỹ thuật) của cả nền bóng đá, lại xuất thân từ bóng đá phong trào. Ngoài ra, vai trò của Hội đồng HLV Quốc gia cũng rất mờ nhạt, tồn tại cho có. Vì thế mà trong những lần tuyển chọn HLV trưởng, tiếng nói của Hội đồng HLV Quốc gia gần như chỉ là có... cho vui. Trên tuyển đã vậy, ở cấp CLB mới thực sự là khoảng trống lớn về CEO. Đa phần các ông bầu khi đầu tư vào các CLB chủ yếu là làm theo cảm hứng, ăn xổi. Thế nên, họ cũng chẳng cần quan tâm tới CEO. Có đội, CEO còn là "cò" môi giới...

Suốt bao năm qua, cả hệ thống bóng đá gần như thiếu hẳn một vị trí quan trọng bậc nhất là CEO. Để rồi cuộc khủng hoảng nổ ra, bây giờ bóng đá Việt Nam mới cuống cuồng đi tìm CEO, thậm chí tính cả đến việc thuê CEO ngoại để "chữa cháy”. Tất nhiên, thà muộn còn hơn không, nhưng liệu CEO ngoại, với mức lương lên tới nửa tỷ đồng mỗi tháng, có "đất dụng võ” ở môi trường bóng đá Việt Nam?

Khôi Nguyên (tổng hợp)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com