Trong không khí của những ngày đầu năm mới, khi nhìn lại, những người hâm mộ thể thao Việt Nam vẫn thấy "choáng váng" khi phải chứng kiến quá nhiều những biến động của nền thể thao nước nhà. Có một căn nguyên sâu xa chung đủ sức bao trùm lên mọi thay đổi, trong đó có cả thể thao đó là những tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh chung đó, việc thể thao Việt Nam "xuống dốc" cũng không phải là điều gì quá đỗi bất ngờ... Thế nhưng, đến mức độ như năm 2012, với việc "trắng tay" tại Ô-lim-pích Luân Đôn, sự thất bại của đội tuyển bóng đá quốc gia tại Cúp vô địch các quốc gia Đông - Nam Á (AFF Suzuki Cup) và Giải vô địch bóng đá quốc gia đang "vỡ vụn" thành từng mảnh bởi sự "tháo chạy" của các ông bầu... thì thật đáng để chúng ta phải suy ngẫm. Có thể thấy điều đầu tiên dẫn đến những hậu quả này lại bắt nguồn từ chính "thượng tầng kiến trúc" của nền thể thao Việt Nam, với những khiếm khuyết không thể đổ lỗi cho ngoại cảnh. Số ít gương mặt VĐV mới đầy triển vọng (như của VĐV Thể dục dụng cụ Phan Thị Hà Thanh, hay kỳ thủ "nhí" Nguyễn Anh Khôi) không thể xóa nhòa được cảm giác bức bối đang bao trùm. Rất nhiều liên đoàn thể thao đang chật vật ở khâu tự tìm kiếm nguồn thu trên con đường "chuyên nghiệp hóa". Nhiều đội tuyển thể thao đến lúc này vẫn chưa đào tạo được một lứa VĐV kế cận đủ "tâm và tầm" để hướng đến những đỉnh cao mới. Có những giải vô địch (bóng chuyền…) đang hoang mang bởi quy định mới, hạn chế việc "thuê" cầu thủ nước ngoài. Cũng chẳng ít những tuyển thủ quốc gia tự làm xấu hình ảnh của mình nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung. Một khía cạnh đáng chú ý nữa là, nếu như ở khá nhiều môn, tình trạng ỳ trệ về tư duy đã hạn chế đà phát triển, thì ngược lại, ở môn bóng đá - môn thể thao được người Việt "ưu ái" nhất - dường như mọi chuyện lại "rối tung lên" bởi những bước tiến quá vội vã, khi chưa sẵn sàng chuẩn bị cho những đòi hỏi của một cơ chế "chuyên nghiệp".
Một năm qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, những khán giả tâm huyết, các chuyên gia… đã có nhiều đánh giá, nhìn nhận, phân tích về những tồn tại như: khâu tuyển chọn, đào tạo, giáo dục VĐV trẻ bị buông lỏng; cách làm "ăn đong", "thời vụ" chạy theo thành tích trước mắt; tình trạng "quân anh, quân tôi" ở các đội tuyển; sự thiếu tỉ mỉ, kỹ lưỡng trong hoạch định chiến lược dài hơi... Hẳn các nhà quản lý thể thao Việt Nam cũng đã có thể tự nhận diện được những hạn chế đó. Năm mới nhắc lại chuyện cũ để mong rằng trong năm 2013, những người có trách nhiệm sẽ có những thay đổi để không mắc phải những sai lầm đã qua, đưa nền thể thao nước nhà tiếp tục vươn xa hơn./.
Khôi Nguyên (tổng hợp)