Với 1 trận hoà, 2 trận thua, ghi được 2 bàn thắng và để lọt lưới tới 5 bàn là kết quả thi đấu nghèo nàn nhất của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam kể từ khi giải đấu cao nhất khu vực Đông Nam Á - AFF Suzuki Cup ra đời đến nay. Có thể khẳng định, đây là một thất bại toàn diện của đội tuyển, từ tư duy kỹ chiến thuật, tinh thần thi đấu đến phong độ của từng tuyển thủ… Với một hàng thủ chơi lỏng lẻo, khả năng "đọc" và phán đoán tình huống chậm; hàng tiền vệ thi đấu thiếu tính sáng tạo, khả năng kết dính kém trong khi khả năng dứt điểm của hàng công không thật sự sắc bén khiến đội tuyển thi đấu một cách vật vờ, bế tắc…
ĐT Việt Nam đã gây thất vọng nặng nề ở AFF Suzuki Cup. Ảnh: Internet |
Dư luận cho rằng, sự thất bại của đội tuyển tại AFF Suzuki Cup 2012 là một hệ quả tất yếu của nền bóng đá nước nhà. Nhìn nhận một cách có hệ thống, từ khi bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp, thoạt nhìn thì thấy tính cạnh tranh giữa các CLB, cầu thủ với nhau sẽ tạo nên một sân chơi sôi động và được đánh giá là hấp dẫn hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên trên thực tế, đó là cuộc cạnh tranh của những ông chủ, giữa các thương hiệu của các ông bầu không vì mục tiêu phát triển của bóng đá nước nhà, mà vì lợi ích cục bộ của cá nhân hay của một vài doanh nghiệp. Từ đó kéo theo những cuộc đua tranh không lành mạnh giữa các cầu thủ nội với cầu thủ ngoại và phần thua thuộc về các cầu thủ của chúng ta. Ở giải vô địch quốc gia, giải hạng nhất, cầu thủ ngoại, cầu thủ ngoại nhập tịch chiếm phần lớn những vị trí thi đấu quan trọng trên sân. Và đương nhiên, các cầu thủ của chúng ta không được thi đấu cọ xát ở CLB thì khi lên tuyển khó có thể đòi hỏi quá nhiều ở họ! Hơn nữa, ở giải AFF Suzuki Cup lần này, các cầu thủ phải thi đấu trong tâm trạng "sợ bị thất nghiệp" khi một số CLB tuyên bố giải thể. Thế mới có chuyện khi vào trận đấu, những đôi chân của các tuyển thủ trở nên nặng nề, thi đấu bế tắc như "gà mắc tóc". Các cầu thủ đã vậy, ở vị trí HLV trưởng, mặc dù HLV Phan Thanh Hùng về mặt chuyên môn có thể đủ sức đảm đương cả đội tuyển quốc gia và đội tuyển Ô-lim-pích song cùng lúc đảm nhiệm cả vị trí ở các đội tuyển lẫn CLB Hà Nội T&T đã vô tình tạo thêm nhiều sức ép về mặt tâm lý cho ông. Bởi về mặt lý, khi chọn đội hình thi đấu, ông có thể chọn bất cứ cầu thủ nào. Nhưng thực tế, nếu chọn các cầu thủ của CLB Hà Nội T&T thì ông sẽ bị gán cho là thiên vị! Vì vậy, mới có chuyện, ban huấn luyện bỏ sót "nhân tài"; nội bộ đội tuyển mất đoàn kết, thi đấu thiếu nhiệt huyết và sự gắn kết cần thiết vì màu cờ sắc áo…
Bóng đá Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn. Bài học từ thất bại nặng nề của đội tuyển tại VFF Suzuki Cup 2012 cần được nhìn thẳng và thấu đáo từ mọi khía cạnh để có những điều chỉnh, cải cách kịp thời và phù hợp. Hãy quyết tâm xóa bỏ bài cũ để làm lại./.
Khôi Nguyên (tổng hợp)