Nhìn lại Giải AFF Suzuki Cup 2012: Sức mạnh của những nền bóng đá phát triển bền vững

08:12, 24/12/2012
Theo nhận định của giới chuyên môn, Giải vô địch bóng đá Ðông - Nam Á - AFF Cup 2012 đã cho thấy một cuộc chọn lọc và đào thải khá khách quan và công bằng khi cả bốn gương mặt lọt vào lượt đấu vòng bán kết cũng như hai đội tuyển đi đến trận chung kết đều xứng đáng với những thành tích mà họ đã giành được, đồng thời khiến các đối thủ khác đều phải "tâm phục, khẩu phục".
 Ðội tuyển Xin-ga-po bên chiếc Cúp vô địch AFF 2012.
Ðội tuyển Xin-ga-po bên chiếc Cúp vô địch AFF 2012.

Nhìn vào khả năng và thực lực của từng đội, chức vô địch có thuộc về một trong hai đội tuyển Thái-lan và Xin-ga-po cũng là điều hiển nhiên. Sự khẳng định này là có cơ sở khi nhìn vào sự phát triển bền vững, phong độ ổn định liên tục của hai đội bóng ít điều tiếng nhất của khu vực. Có thể những cầu thủ hôm nay của đội tuyển Thái-lan không phải là "thế hệ vàng" như cách đây hơn mười năm đã giúp họ thống trị ngôi vương của khu vực trong nhiều năm, song thế hệ hôm nay vẫn cho thấy sức mạnh và đẳng cấp thật sự của một nền bóng đá quốc gia hàng đầu Ðông - Nam Á với định hướng mục tiêu vươn lên tầm châu lục. Ðiều này thể hiện ở sự tự tin của HLV Sáp-phơ, người đã dẫn dắt đội tuyển nước này đi qua vòng bảng và bán kết với loạt trận bất bại, khi cho rằng đội bóng của ông không chỉ có những cá nhân giỏi mà có tất cả các cầu thủ chơi tốt ở các vị trí, chính thức cũng như dự bị. Thực tế cho thấy, sự khẳng định này là đúng đắn qua chiến thắng đậm 3-1 mà các cầu thủ dự bị  của đội tuyển Thái-lan đã mang lại trước đội tuyển Việt Nam trong trận thắng 3-1 ở vòng bảng. Theo nhận định của các chuyên gia bóng đá khu vực, dù để vuột chức vô địch, bóng đá Thái-lan vẫn là biểu tượng về một lối chơi đẹp mắt, hiệu quả và tinh thần đồng đội mà ít đội tuyển nào của khu vực thể hiện được như họ. Tinh thần thi đấu nghiêm túc, hết mình và nỗ lực của thầy trò HLV Sáp-phơ đã được dư luận Thái-lan ghi nhận, không phàn nàn chê trách nhiều bởi họ hiểu bóng đá cũng kèm theo một chút may mắn và "vị thần" này đã để mắt đến Xin-ga-po.

Trong khi đó, thành tích thi đấu không được như Thái-lan nhưng Xin-ga-po cũng cho thấy họ là đội tuyển có phong độ thi đấu ổn định lâu dài, kiên cường và "có đầu óc khoa học". Tuy không có được sức trẻ như một số đội tuyển khác ở giải đấu, nhưng bù lại, đội quân của HLV A-vra-mô-vích lại có được sự kết hợp và kế thừa giữa kinh nghiệm trận mạc của những "lão tướng" với kỹ, chiến thuật tốt của các cầu thủ trẻ đã và đang vươn lên đảm nhận trọng trách ở các vị trí. Ðó là chưa kể đến một chiến lược phát triển bóng đá về lâu dài thúc đẩy sự phát triển khi luôn luôn được tiếp thêm sức mạnh từ các ngoại binh nhập tịch trong một chừng mực phù hợp để không bị dẫn đến lệ thuộc và làm thui chột các tài năng trẻ trong nước.

Trong nhóm bốn đội vào đến bán kết, mặc dù không thể bảo vệ ngôi đương kim vô địch và bị Xin-ga-po và Thái-lan đánh bại, song đội tuyển Ma-lai-xi-a vẫn cho thấy khả năng vượt trội của họ so với các đội bóng "chiếu dưới" khi có các trận thắng chắc chắn, đậm đà và ngoạn mục với quyết tâm và tinh thần thi đấu bền bỉ trước các đội tuyển như Lào và In-đô-nê-xi-a.

Ở giải đấu năm nay, đội tuyển Phi-li-pin được gọi là một "hiện tượng", thậm chí còn được cho là đã tạo nên một cuộc đổi ngôi về đẳng cấp một cách ngoạn mục trong làng bóng đá khu vực khi loại được một đội tuyển Việt Nam đang có nhiều xáo trộn và có lúc đã chơi ngang ngửa với đội tuyển Thái-lan ở vòng bảng. Thành tích này là kết quả không thể phủ nhận từ những thay đổi của bóng đá Phi-li-pin với bước đột phá "nước rút" bằng cách bổ sung nhiều "ngoại binh" nhập tịch đến từ các nước và một số cầu thủ chỉ mang "một nửa dòng máu Phi-li-pin". Ðây là các cầu thủ đang chơi bóng cho nhiều câu lạc bộ của châu Âu và chính sự bổ sung này mang lại cho họ sự thay đổi hẳn về chất với dàn tuyển thủ cao to, phong cách thi đấu hiện đại và hiệu quả. Tuy nhiên, những điều này chưa đủ để Phi-li-pin thật sự trở thành một đội tuyển mạnh nằm trong nhóm hàng đầu khu vực bởi đó vẫn chỉ là một sự chắp vá không dựa trên một cái nền thực lực chung của bóng đá nước này. Thậm chí đã có lúc, ban huấn luyện đội Phi-li-pin khá lao đao bởi các câu lạc bộ châu Âu đòi cầu thủ. Lối đá đơn giản và mang tính thực dụng của họ ở vòng bảng đã bị "bắt bài" ở vòng bán kết, trong khi đó họ vẫn thể hiện nó một cách cứng nhắc trước một đội bóng có lối chơi khá đa dạng và linh hoạt trong chiến thuật như đội tuyển Xin-ga-po và thất bại là điều hiển nhiên. Ðội tuyển Lào cũng vậy, vẫn chưa thể vượt qua được giới hạn về kinh nghiệm và bản lĩnh cho dù đã rất cố gắng. 

Có lẽ đáng thất vọng nhất ở AFF Cup 2012 là hai đội tuyển bóng đá Việt Nam và In-đô-nê-xi-a từng luôn luôn nằm trong tốp ba dẫn đầu khu vực. Nguyên nhân thất bại thì có nhiều, song điều có thể thấy rõ nhất chính là cơ sở phát triển không bền vững của nền bóng đá hai nước này. Sức mạnh giảm sút của đội tuyển In-đô-nê-xi chủ yếu bắt nguồn từ những lình xình nội bộ, bất ổn với "cuộc chiến" giành giật thương hiệu đội tuyển quốc gia giữa Liên đoàn bóng đá In-đô-nê-xi-a với các câu lạc bộ trong nước và một tổ chức "cứu nguy" bóng đá được lập ra có quyền ngang ngửa liên đoàn, khiến họ không có được một đội hình mạnh thật sự mà phần lớn là cầu thủ trẻ, ít kinh nghiệm thi đấu.

Không đến mức độ như đội tuyển "xứ Vạn đảo", song đội tuyển Việt Nam cũng có những nguyên nhân tương tự khi cầu thủ bị phân tâm bởi các xáo trộn của một nền bóng đá đang "hướng tới chuyên nghiệp". Bên cạnh chấn thương, một số trụ cột của đội tuyển làm sao còn đủ sự tập trung cho giải đấu khi câu lạc bộ của họ bị giải thể. Ngoài ra, còn phải kể đến tinh thần và bản lĩnh thi đấu kém cỏi, không thể "vực dậy" của các học trò HLV Phan Thanh Hùng. Trong kỳ AFF Cup lần này, Việt Nam đã không có được một đội tuyển mạnh nhất và cũng không có được nhiều sự "lựa chọn" cầu thủ ở vị trí các tuyến, đặc biệt là không có được những mũi nhọn cần thiết trên hàng công. Ðây là kết quả của một nền bóng đá phát triển không toàn diện, thiếu tính kế thừa bởi không có nổi một chiến lược phát triển lâu dài, đặc biệt là về đào tạo các tài năng trẻ.

Giải AFF Suzuki Cup 2012 đã khép lại và đặt ra nhiều vấn đề, đòi hỏi những cải tổ và đổi mới sâu sắc, mang tính bền vững đối với các nền bóng đá khu vực nếu muốn duy trì được vị thế, sức mạnh và hướng tới hội nhập bóng đá châu lục.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com