Giải pháp nào ngăn chặn sự tụt hậu của bóng đá Việt Nam ?

08:12, 05/12/2012

 

Thực trạng yếu kém của bóng đá Việt Nam đã thể hiện rõ qua AFF Cup 2012, giải đấu mà chúng ta có thành tích tồi tệ nhất trong 20 năm hội nhập đấu trường Đông Nam Á. Điều đáng lo ngại là trong suốt bốn năm qua, thành tích bóng đá Việt Nam ở giải sau kém hơn hẳn giải trước. Nguyên nhân sa sút đã được đề cập đến nhiều, nhưng đâu là giải pháp để bóng đá Việt Nam chặn đứng sự tụt hậu ?

Tăng cường đào tạo trẻ

Đây là giải pháp ’’sâu rễ, bền gốc’’ và cũng cực kỳ cần thiết với bóng đá Việt Nam. Trong suốt hơn chục năm qua, công tác đào tạo trẻ bị bỏ bê không chỉ ở các câu lạc bộ mà còn diễn ra ở cả cơ quan đầu não là Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Bằng chứng là Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ quốc gia của VFF khánh thành đã bốn năm mà chưa tuyển sinh được lứa cầu thủ nào.

Bóng đá Việt Nam quá thiếu những tài năng trẻ nên thành tích sa sút nghiêm trọng.   ( Ảnh: Tuấn Tú )
Bóng đá Việt Nam quá thiếu những tài năng trẻ nên thành tích sa sút nghiêm trọng. ( Ảnh: Tuấn Tú )

Công tác đào tạo ở các câu lạc bộ càng tệ hại hơn khi cơ chế hiện tại đang dần bóp nghẹt các trung tâm đào tạo ở các địa phương. Rất nhiều địa phương có truyền thống, từng đào tạo nên nhiều tuyển thủ quốc gia như Nam Định, Đồng Tháp, Huế... đang ’’chết dần, chết mòn’’. Ngay cả những địa phương đang có hệ thống đào tạo vận hành tốt như Đà Nẵng, Nghệ An cũng gặp nhiều khó khăn vì có cầu thủ giỏi là bị nơi khác dùng tiền lấy mất.

Trong bối cảnh đó, tài năng trẻ ngày càng khan hiếm và thành tích của đội tuyển quốc gia liên tiếp thụt lùi. Do đó, muốn phát triển thành tích chỉ có cách củng cố lại các trung tâm đào tạo trẻ, trong đó VFF phải là đầu tàu.

Vừa qua, nhân chuyến kiểm tra của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) với Trung tâm đào tạo trẻ quốc gia, một kế hoạch phối hợp với FIFA để hình thành ba trung tâm đào tạo do VFF quản lý đã được hình thành. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn còn rất mông lung và những người trong cuộc cho biết, sớm nhất cũng phải đến cuối năm 2014 mới vận hành. Theo kế hoạch này, FIFA sẽ giúp VFF xây dựng ba trung tâm đào tạo ở ba miền bắc, trung, nam với số lượng khoảng 35 cầu thủ/địa điểm và độ tuổi đào tạo là từ 15. FIFA sẽ trực tiếp tuyển chọn cầu thủ, đào tạo HLV, giúp đỡ về giáo án và thường xuyên tư vấn về chuyên môn.

Đây là bước đi đúng đắn, nhưng cần đẩy nhanh tiến độ hơn thay vì đến năm 2014 mới khai giảng khóa đầu tiên. Trên cơ sở ’’công nghệ’’ của mô hình này, VFF cần nhân rộng ra các địa phương khác để ít nhất cũng có 10-15 trung tâm đào tạo đạt chuẩn quốc tế thì mới mong bóng đá Việt Nam ’’nở mày, nở mặt’’ trong tương lai.

Giảm ngoại binh

Chứng kiến phong độ cực kém của các trung vệ và tiền đạo Đội tuyển Việt Nam ở giải vừa qua, ai cũng nhận thấy nguyên nhân trực tiếp là do các vị trí quan trọng này ở V.League bị các cầu thủ ngoại chiếm giữ. Vì thế, hầu hết các cầu thủ nội không được trui rèn thường xuyên và không có cơ hội tiến bộ.

Muốn tăng cường diện tuyển chọn cho đội tuyển quốc gia thì chỉ có cách là giảm số lượng ngoại binh ở V.League và giải hạng Nhất. Hiện nay, số lượng ngoại binh các đội được đăng ký và sử dụng trong một trận đấu ở V.League là ba và hạng Nhất là hai, nhưng con số này vẫn còn nhiều, bởi hầu hết các đội đều thuê tiền đạo, còn thừa sẽ thuê trung vệ nên các tiền đạo nội vẫn có rất ít cơ hội ra sân.

Bóng đá Malaysia trước khi bước lên đỉnh cao khu vực trong ba giải liên tiếp từ 2009-2011 đã có bước đi táo bạo khi cấm hẳn ngoại binh trong hai mùa giải. Sau đó, họ mở cửa trở lại nhưng có biện pháp hạn chế rất ngặt nghèo. Nhờ chính sách đó mà các cầu thủ trẻ nước này có cơ hội được ra sân từ rất sớm, khoảng 19-20 tuổi đã là trụ cột ở CLB. Đội tuyển quốc gia và Đội tuyển U.23 Malaysia cũng được nhờ từ đó và liên tiếp gặt hái thành tích.

Trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang cần thu hút khán giả, việc cấm hẳn ngoại binh là không nên, nhưng nếu hạn chế ở mức thấp như V.League chỉ nên có một đến hai ngoại binh và hạng Nhất không có ngoại binh là điều cần thiết để tạo cơ hội ra sân cho cầu thủ trẻ, nhất là ở những vị trí quan trọng như tiền đạo, trung vệ.

’’Tái cơ cấu’’ bộ máy VFF

Trong bất cứ thất bại nào, trách nhiệm lớn nhất cũng thuộc về cơ quan ’’đầu não’’ là VFF. Trong bốn giải đấu qua, bóng đá Việt Nam liên tục thụt lùi thành tích, từ việc đứng thứ nhì ở SEA Games 2009 rồi bị loại ở bán kết AFF Cup 2010, sau đó là thất bại đau đớn 1-4 trong trận tranh HCĐ SEA Games 2011 và cuối cùng là bị loại ở vòng bảng AFF Cup 2012, thành tích kém cỏi nhất trong 20 năm qua ở đấu trường khu vực.

Việc đội bóng liên tiếp không hoàn thành chỉ tiêu trong bốn năm liền, nhưng VFF vẫn không có bất cứ động thái thay đổi đáng kể nào cho thấy phần nào sự trì trệ của bộ máy này. Sau thất bại ở SEA Games 2011, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh đã phát biểu rằng: ’’Bộ máy hiện tại của VFF chưa theo kịp sự phát triển và cần sự cải tổ mạnh mẽ’’.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com