Đặc sắc thi bơi chải trong lễ hội chùa Cổ Lễ

08:11, 02/11/2012

Lễ hội chùa Cổ Lễ, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) diễn ra từ ngày 13 đến 16-9 âm lịch hằng năm kỷ niệm ngày sinh Thiền sư Nguyễn Minh Không. Đây là một trong các lễ hội nổi tiếng miền Bắc với nhiều hoạt động văn hóa cổ truyền như lễ rước Phật, đấu vật, đánh cờ người...; trong đó, có hội thi bơi chải rất độc đáo được nhiều người biết đến qua bài kệ chùa Cổ Lễ: "Hễ mà bơi chải râm ran/ Thánh cho đôi chữ bình an đời đời".

Cũng như các năm trước, cuộc thi bơi chải trong lễ hội chùa Cổ Lễ năm nay diễn ra trong suốt thời gian tổ chức lễ hội. Tham dự hội thi, có 5 dòng họ trong thị trấn là: Nguyễn, Phan, Lê, Dương và Dương Đào Phạm (Dương nhì), mỗi họ đảm nhiệm một chải, riêng 2 họ Dương và Lê do thiếu người nên hợp chung một chải. Theo các cụ cao niên trong thị trấn, trước đây hội thi bơi chải được tổ chức trong nội bộ các dòng họ, sau này mới được tổ chức trong lễ hội. Khoảng 10 năm trở lại đây, việc tổ chức bơi chải được giao cho các dòng họ đảm nhiệm. Để duy trì bộ môn bơi chải, nhà chùa đã cất công tìm các nghệ nhân nổi tiếng đóng các chải. Các chải được dính keo với chất liệu đặc biệt, ngâm trong nước 1-2 ngày keo càng dẻo, dính chặt, hạn chế nước ngấm trong quá trình thi đấu. Các dòng họ tự mua sắm trang phục, dụng cụ thi đấu, gồm tay chải, trống, cờ... Trước lễ hội hằng tháng, các dòng họ đã tổ chức tuyển chọn người tập luyện, chuẩn bị trang phục thi đấu. Người tham gia không phân biệt tuổi tác, từ các lão nông tri điền giàu kinh nghiệm đến các em học sinh khỏe mạnh, nhiệt tình thi đấu. UBND Thị trấn Cổ Lễ đã thành lập tiểu ban bơi chải do Chủ tịch Uỷ ban MTTQ thị trấn làm Trưởng tiểu ban, xây dựng quy ước và tổ chức ký kết giữa 5 dòng họ đảm bảo cuộc thi an toàn, thành công.

Đua chải trong Giải bơi chải tỉnh năm 2012.
Đua chải trong Giải bơi chải tỉnh năm 2012.

Từ chiều 12-9 âm lịch, các dòng họ tổ chức rước kiệu tổ lên chùa hầu Thánh. Trên đường rước kiệu có đội bát âm…, dưới sông có các đội bơi chải gọi là “bơi chầu Thánh”. Sáng 13-9 âm lịch, lễ hội chùa Cổ Lễ khai mạc cũng là lúc hội bơi chải được tổ chức. Sau khi sư trụ trì chùa Cổ Lễ làm lễ tẩy uế các chải, các chải xuất phát từ chùa ra sông Cổ Lễ để tập kết. Nét đặc sắc của hội thi bơi chải trong lễ hội chùa Cổ Lễ, đó là trên mỗi chải có tới 16 người gồm 12 tay chèo và người lái, tay mõ, tay cờ và người tát nước, trong khi các chải khác trong tỉnh chỉ có 15 người. Khi xuất phát, 4 chải đều ngang hàng nhau, các đội thi đấu được phân biệt qua quần áo mang màu xanh, đỏ, tím, vàng. Trong 4 ngày diễn ra lễ hội, mỗi ngày 4 chải sẽ thi đấu 4 vòng quanh sông với chiều dài khoảng 10km. Thành tích các đội sẽ được tính bằng điểm, đội về nhất được 10 điểm, nhì 8 điểm, ba 6 điểm và thứ tư được 4 điểm. Tổng hợp điểm từ các ngày thi đấu sẽ làm căn cứ để tính thứ tự nhất, nhì, ba. Trong quá trình thi, các đội bơi cạnh tranh nhau quyết liệt nhưng tuân thủ quy định của Ban tổ chức như bơi đúng đường, phải đi qua mốc cắm. Vì vậy, trong cuộc thi có nhiều cú dằm, dìm chải nhau, dẫn tới lật chải giữa sông. Khi bị lật, các đội được phép dựng lại chải, tiếp tục cuộc thi. Tính chất quyết liệt của cuộc thi luôn đòi hỏi các thành viên trong đội phải có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng thời các tay chèo phải khôn ngoan, khéo léo.

Trong nhiều năm qua, bơi chải trong lễ hội chùa Cổ Lễ đã thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương đến dự. Hội thi còn là dịp để huyện chọn ra những tay chải khỏe mạnh, những tay chèo khéo léo của các dòng họ để thành lập đội tuyển bơi chải của huyện tham dự giải bơi chải do tỉnh tổ chức vào dịp Quốc khánh 2-9 hằng năm./.

Bài và ảnh: Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com