Ngã ngựa!

07:10, 26/10/2012
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Chuyện đội tuyển U.21 Việt Nam mất cúp tại Giải U.21 quốc tế Báo Thanh niên 2012 vừa diễn ra trên “phố núi” Gia Lai được an ủi giống như chuyện “Tái ông thất mã” vậy. Nó giống như chuyện 3 năm trước tại SEA Games 25 năm 2009 bên đất Lào, đội tuyển U.23 Việt Nam đã một lần nữa không giành được chức vô địch trước đội tuyển U.23 Ma-lai-xi-a trong một trận đấu mà chúng ta làm chủ tất cả, kể cả bàn thua duy nhất (thủ môn Tấn Trường và trung vệ Xuân Hợp không ăn ý khiến bóng đập vào ngực Xuân Hợp bay vào lưới đội nhà). Nhắc đến “duyên nợ” giữa bóng đá Việt Nam với Ma-lai-xi-a phải kể đến lần các cầu thủ U.22 Việt Nam thay mặt đội tuyển quốc gia sang Ma-lai-xi-a đá Cúp Merdeka năm 2008 và giành luôn cúp vàng trong một trận đấu mà đối thủ tấn công suốt trận, nhưng thua thầy trò Mai Đức Chung ở loạt đấu luân lưu… Người Mã mất cúp năm ấy, nhưng một năm sau thì giành ngay HCV môn bóng đá nam tại SEA Games và tiếp tục vô địch tại giải cúp AFF 2010. Vậy là bóng đá Việt Nam với bóng đá Ma-lai-xi-a cứ gắn với nhau lẫn lộn giữa họa và phúc. Việc thua của đội tuyển U.21 Việt Nam trên sân Pleiku không phải là họa, nhưng nó làm hơn 12 nghìn khán giả có mặt tại sân vận động và nhiều người hâm mộ trong cả nước cảm thấy thất vọng, bởi các cầu thủ ta “bỗng dưng” mất lửa, còn Ma-lai-xi-a thì cứ đá đúng bài “cù nhầy” phá đối thủ rồi rình rập tìm cơ hội ghi bàn. Cái thua đó có khi lại là phúc, nếu những nhà làm bóng đá chịu nhìn rộng ra, rằng lâu nay Ma-lai-xi-a đã rất chú trọng đến công tác đào tạo cầu thủ trẻ một cách bài bản và có chiến lược, mục tiêu cụ thể. Suốt 7 năm qua, bóng đá Ma-lai-xi-a xây dựng bộ khung dưới trướng của ông thầy “nội” là Ra-ra-gô-ban để giữ mạch cho các thế hệ tuyển thủ từ tuyến trẻ lên đội tuyển cập nhật và có chung một lối đá, cùng một tư duy chiến thuật. Cái cách U.21 Ma-lai-xi-a vô địch Giải U.21 quốc tế Báo Thanh niên 2012 rất giống với lứa U.23 Ma-lai-xi-a vô địch SEA Games và không khác là bao so với cách đội tuyển Ma-lai-xi-a giành cúp vàng AFF 2010. Mặt khác, chuyện đội tuyển U.21 Việt Nam đang “sung” bỗng “mất lửa” và cầu thủ tự dưng “căng” và liên tục phạm sai lầm để đội “kèo dưới” qua mặt có lẽ cũng cần phải có sự tìm hiểu, phân tích kỹ càng để có những đánh giá chính xác và có giải pháp xử lý thoả đáng. Tránh tình trạng như trước đây khi đội tuyển U.23 Việt Nam thua ở SEA Games 26 thì đổ lỗi cho thầy “ngoại”…

Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật để có những quyết sách thấu đáo, đừng quá dễ dãi mà tặc lưỡi cho qua những sai phạm của một số cầu thủ, thậm chí là những người có trách nhiệm cao hơn… để rồi những tiếng than thở cứ ám ảnh người hâm mộ mà bài học nhãn tiền từ SEA Games 22 năm 2003 đã có: Khi đó, chúng ta đã bỏ qua nhiều lỗi của một số cầu thủ hư, rồi đến SEA Games 23 năm 2005 bóng đá nước nhà phải gánh chịu một sự thật quá phũ phàng, đó là đội tuyển “bán độ”./.

Khôi Nguyên (tổng hợp)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com