Phái đoàn của Hội đồng thể thao châu Á (OCA) đã rời Hà Nội, sau khi thị sát địa điểm chạy đua đăng cai Asiad 18-2019. Những phân tích từ Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Ô-lim-pích Việt Nam - ông Hoàng Vĩnh Giang cho thấy, Việt Nam có nhiều cơ hội lần đầu được tổ chức Đại hội thể thao lớn nhất châu lục.
Vai trò của Ủy ban Ô-lim-pích quốc gia
Phái đoàn của OCA đã có chuyến thị sát quan trọng tại Hà Nội. Đây là một thông lệ, thủ tục bắt buộc mà lãnh đạo cao cấp của OCA phải đi khảo sát từng địa điểm, thành phố đã nộp đơn xin đăng cai nhằm nắm rõ tình hình chuẩn bị của địa điểm đó. Phái đoàn OCA đã thị sát Đu-bai (UAE), Su-ra-bay-a (In-đô-nê-xi-a), hai đối thủ nặng ký của Hà Nội trong cuộc đua giành quyền đăng cai Đại hội thể thao châu Á.
Asiad mang tầm cỡ châu lục, vì thế, Ủy ban Ô-lim-pích Việt Nam tham mưu cho Chính phủ việc nộp đơn, trở thành quốc gia đua tranh, giành quyền đăng cai sự kiện này. Khi thời điểm đang vào giai đoạn then chốt, có thành công hay không phụ thuộc rất lớn ở những con người vừa mới được bầu vào Ủy ban Ô-lim-pích Việt Nam khóa 4 (2012-2016). Tại nhiệm kỳ mới, ngoài Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh được bầu giữ vị trí Chủ tịch, còn có tới 8 Phó chủ tịch được góp mặt trong thành phần Ủy ban Ô-lim-pích Việt Nam. Từng chia sẻ ngay sau lễ ra mắt nhân sự lãnh đạo Ủy ban Ô-lim-pích nhiệm kỳ 4, Chủ tịch Hoàng Tuấn Anh xác định mỗi Phó chủ tịch giữ một trọng trách riêng rất chuyên biệt, như vậy mới hoàn thiện được lượng công việc khổng lồ.
Điều ấy hoàn toàn đúng. Nó thể hiện rõ ở quan điểm được chia sẻ của vị Tổng thư ký Ủy ban Ô-lim-pích quốc gia Trần Văn Mạnh: “Nhiệm vụ quan trọng chính là tiếp tục kế hoạch vận động đăng cai Asiad 18-2019 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Ủy ban Ô-lim-pích Việt Nam đã đưa các bộ hồ sơ, chương trình hoạt động cho phái đoàn OCA trong thời gian làm việc ở Hà Nội”.
Ông Hoàng Vĩnh Giang (bên phải) tin tưởng Hà Nội có nhiều cơ hội được đăng cai Asiad 18-2019. Ảnh: Đình Hùng. |
Đu-bai, Su-ra-bay-a có những khó khăn nhất định
Rõ ràng, mỗi địa điểm đều có mặt yếu, mặt mạnh. Và những báo cáo đánh giá trên là bí mật khó để OCA tiết lộ, mà chỉ cho biết ở ngày bỏ phiếu bầu 8-11 tới đây. Nhưng bằng cảm quan của mình, lãnh đạo Ủy ban Ô-lim-pích Việt Nam có phân tích khá cụ thể. Thành phố Đu-bai (UAE) mạnh về tài chính nhưng bỏ ra số tiền rất lớn để xây dựng mới toàn bộ các cơ sở vật chất phục vụ thi đấu là không dễ; bên cạnh việc khí hậu khá khắc nghiệt. Ngoài ra, nguồn nhân lực của Đu-bai là một điểm hạn chế, khi bạn đang phải đi thuê khá nhiều từ các nước, nên tìm hàng chục nghìn tình nguyện viên phục vụ cho Asiad sẽ rất khó đáp ứng. Còn Su-ra-bay-a (In-đô-nê-xi-a) cũng đang có khó khăn trong công tác chuẩn bị cho Asiad. Việt Nam có điểm mạnh hơn cả chính là mặt an ninh, thể chế chính trị ổn định. Hà Nội và các địa phương lân cận có nhiều công trình thể thao có thể đáp ứng cho việc tổ chức Asiad.
Từ nay tới tháng 11-2012 không còn bao xa và đoàn vận động xin đăng cai Asiad 18 của Việt Nam đã thành lập. Trưởng đoàn là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiêm Chủ tịch Ủy ban Ô-lim-pích Việt Nam Hoàng Tuấn Anh, cùng 20 thành viên trong đoàn là những cá nhân ở các cơ quan, bộ ngành liên quan có đủ khả năng thuyết trình thuyết phục ở ngày bỏ phiếu.
150 triệu USD là đủ
Ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Ô-lim-pích Việt Nam khẳng định: “Hà Nội có Quy hoạch tổng thể phát triển Thủ đô tới năm 2020, nên việc xây dựng các công trình cơ bản cho giao thông, hạ tầng đã được quy hoạch rõ ràng, khoa học. Nếu được tổ chức Asiad, đương nhiên chủ nhà Hà Nội được hưởng lợi từ thành quả của Quy hoạch trên. Con số dự kiến 150 triệu USD để tổ chức Asiad 18 là hoàn toàn đủ. Trong 150 triệu USD này, có cả kinh phí xây dựng Nhà thi đấu đa năng 10.000 chỗ dành cho Asiad (hoạch định tại Mỹ Đình). Hà Nội cùng một số địa phương lân cận đã có cơ sở hạ tầng TDTT rất tốt, nên không cần nhiều hạng mục đầu tư, xây mới. Riêng khu thi đấu xe đạp lòng chảo cùng Làng VĐV có giá trị không nhỏ, khoảng 550 triệu USD nhưng sẽ không dùng ngân sách nhà nước. Khu thi đấu xe đạp sẽ có liên doanh Hàn Quốc đứng ra đầu tư, khu Làng VĐV sẽ kêu gọi kinh phí xã hội hóa”.
Theo qdnd.vn