Tại hội nghị tổng kết mùa giải bóng đá chuyên nghiệp 2012 vừa diễn ra do VFF tổ chức, vấn đề được đề cập đến nhiều nhất là việc chia tay với bóng đá của một số ông bầu với nguyên nhân chính là do kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách sâu xa của vấn đề các ông bầu bỏ bóng đá lại không hẳn vì gánh nặng tài chính. Bằng chứng là, tại hội nghị tổng kết này đã có những ý kiến chỉ ra rất xác đáng.
Quang cảnh hội nghị tổng kết mùa giải bóng đá chuyên nghiệp 2012. Ảnh: Internet |
Bản chất của vấn đề nằm ở chỗ, các ông bầu đến với bóng đá không phải vì mục đích bóng đá mà là tranh mua cầu thủ để "lấy tiếng" và để thỏa mãn chuyện "con gà tức nhau tiếng gáy". Đây rõ ràng chỉ là chuyện rút hầu bao theo trào lưu, trong đó có trào lưu các HLV, các tay cò, các cầu thủ cùng hùa nhau đẩy giá trị lên quá cao. Thế mà các ông bầu vẫn "đu" theo và vẫn sát phạt nhau để tranh mua cầu thủ. Nhìn lại thực tế thì rất ít những ông bầu làm bóng đá một cách tử tế, có tính chuyên nghiệp theo hướng tính xa cho một CLB chuyên nghiệp thực thụ bằng những việc cụ thể, thiết thực như: mở những tuyến đào tạo trẻ để có lực lượng kế thừa, tuyển những huấn luyện viên "có tâm, có tầm" biết vạch ra những kế hoạch phát triển bền vững cho CLB... Đa phần các ông bầu làm theo kiểu "ăn xổi" nghĩa là vung tiền tỷ để mua cầu thủ, thế nên kết quả thu được cũng chỉ theo kiểu "may hơn khôn". Nhưng quan trọng hơn, số tiền lớn đó không phải lấy ra từ bóng đá. Nó là tiền của các dự án mà nhờ “ôm” đội bóng các ông bầu có được; là tiền bất động sản mà nhiều ông bầu "nuôi" đội bóng mới đổi lại được "mối quan hệ" với lãnh đạo địa phương để được giao đất vàng, được trao những "dự án lớn"... Khi nền kinh tế khó khăn, ngành ngân hàng lâm vào cảnh “bong bóng vỡ” và những ngành sản xuất, kinh doanh lớn đóng băng không thu hồi nổi vốn thì tất nhiên các dự án cũng dừng hoặc treo và bất động sản cũng chôn một chỗ… Từ đó kéo theo tình trạng, tiền chi cho đội bóng cũng không còn, nên vì thế mà nhiều ông bầu tính chuyện "bỏ của chạy lấy người". Thậm chí cao tay hơn, một số ông bầu muốn bỏ, nhưng còn tính chuyện gỡ gạc danh dự nên đưa ra những "yêu sách" với VFF hoặc VPF rồi doạ bỏ đội. Và tất yếu, bầu đến dễ với mục đích dùng bóng đá để kinh doanh ngành khác thì bầu đi cũng dễ…
Bóng đá Việt Nam đang đứng trước cảnh nhiều ông bầu muốn bỏ CLB, nhưng như thế cũng không hẳn là thảm họa. Dư luận cho rằng: Nên xem đây là cơ hội để sàng lọc những ông bầu "ăn xổi, ở thì" hoặc muốn lợi dụng bóng đá nhằm đạt được những mục đích riêng của mình. Đồng thời tập hợp lại những ông bầu thực thụ tâm huyết vì sự phát triển của bóng đá nước nhà. Và trên hết cũng cần xem lại cách làm bóng đá mà chúng ta đang làm để có những thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp nhằm bảo đảm cho mục tiêu phát triển bóng đá nước nhà theo hướng hiệu quả, bền vững trong tương lai, đáp ứng được sự kỳ vọng của người hâm mộ./.
Khôi Nguyên (tổng hợp)