Mới đây, khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam công bố danh sách đội tuyển Quốc gia gồm 23 cầu thủ dưới sự dẫn dắt của HLV Phan Thanh Hùng đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ. Sự quan tâm của dư luận xuất phát bởi nhiều lý do, trong đó có việc từ năm 1991 đến nay, bóng đá Việt Nam chưa bao giờ có thành tích ở khu vực khi trao quyền chỉ đạo đội tuyển cho “thầy nội”, mặc dù đó đều là những HLV được đánh giá cao và khá thành công ở cấp độ CLB như: Nguyễn Sĩ Hiển, Trần Bình Sự, Phạm Huỳnh Tam Lang, Nguyễn Văn Vinh, Trần Duy Long, Lê Đình Chính… Vậy vì sao họ không có thành tích ở đấu trường khu vực? SEA Games đầu tiên bóng đá Việt Nam tham dự kể từ sau ngày thống nhất đất nước là SEA Games 16 (năm 1991), với thành phần đội tuyển khá mạnh, nhưng do bất mãn, điều kiện tập luyện khó khăn và cả bệnh “quân tôi, quân anh” nên 11 cầu thủ ở miền Trung và miền Nam trốn về. Hai năm sau, tại vòng loại World Cup năm 1994 và SEA Games 17 do HLV Trần Bình Sự, Phạm Huỳnh Tam Lang, Nguyễn Văn Vinh dẫn dắt, đội tuyển thua “trắng” vì nội bộ cầu thủ không phục HLV, trong đó có người đã chủ động phá đội bằng việc cố tình nhận thẻ đỏ để đi… shopping. Đến năm 1997, khi ông Weigang xin kết thúc hợp đồng sớm, đội tuyển được trao cho hai trợ lý là Trần Duy Long và Lê Đình Chính thì cũng thất bại nặng nề…
HLV Phan Thanh Hùng. Ảnh: Internet |
Những câu chuyện trên cho thấy tình trạng “bụt chùa nhà không thiêng” nhiều hơn là khả năng của HLV nội. Các HLV nội cho đội tuyển đa phần là kiêm nhiệm ở CLB và điều ấy rất khó để các cầu thủ “phục” vì các HLV đội tuyển khi lập danh sách hay dựa vào bộ khung chính từ đội bóng của mình để bảo đảm “sự an toàn”. Nhìn chung “cái uy” của HLV nội với các cầu thủ luôn là một nút thắt khó gỡ!? Đó là chưa kể đến “quyền hành” của HLV nội so với HLV ngoại cũng không thể bằng bởi cái cơ chế “xin - cho” bất thành văn vẫn tồn tại lâu nay. Thường thì các HLV nước ngoài yêu cầu gì là được đáp ứng ngay, nhưng các HLV nội muốn xin gì cho đội cũng phải qua nhiều công đoạn và mất nhiều thời gian. Hơn nữa, “thầy ngoại” lại có tiếng nói cao hơn so với “thầy nội”, thậm chí còn bị áp đặt ngược lại và có lúc bị xem là “công cụ” hơn là tôn trọng về chuyên môn.
Giờ đây, bóng đá Việt Nam đã trở lại với thầy nội. Đó là điều đáng mừng! Nhưng đằng sau đó vẫn có nhiều điều đáng lo bởi những căn bệnh “bụt chùa nhà không thiêng” hay “quân anh, quân tôi” hoặc bệnh bè phái. Hy vọng rằng, khi trao quyền cho HLV Phan Thanh Hùng, những người có trách nhiệm với bóng đá Việt Nam đã lường trước được những khó khăn có thể xảy ra, để có cách xử lý khi cần. Hơn hết, HLV Phan Thanh Hùng đang ở hoàn cảnh “đầu sóng ngọn gió” nên cần phải thực sự công tâm, biết vì cái chung, vì sự phát triển của nền bóng đá Việt Nam./.
Khôi Nguyên (tổng hợp)