Khi nghị lực và lòng tin chiến thắng

08:09, 14/09/2012

Ngọn lửa thiêng Pa-ra-lim-pích Luân Đôn 2012 đã không còn rực cháy trên đài lửa sân vận động Ô-lim-pích của Thủ đô Luân Đôn (Vương quốc Anh), khép lại 11 ngày đua tranh sôi động và nhiều kịch tính của các VĐV khuyết tật tiêu biểu trên toàn thế giới. Những tấm HCV, các kỷ lục Pa-ra-lim-pích và thế giới được tạo lập ở kỳ đại hội lần này đã thể hiện một cách chân thực, tràn đầy cảm xúc, khơi dậy niềm cảm hứng bất tận về ý chí, nghị lực sống và khát vọng vươn lên chinh phục những đỉnh cao thể thao mới. Đại hội lần này có gần 4.300 VĐV khuyết tật đại diện cho 166 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới tham gia thi đấu ở hơn 500 nội dung dành cho các hạng thương tật khác nhau của 20 môn thể thao. Đây là kỳ đại hội đi vào lịch sử thể thao của người khuyết tật với quy mô tổ chức và số lượng VĐV đông nhất. Đã có 503 bộ huy chương đã được trao. Có 75/166 đoàn đã có huy chương với nhiều kỷ lục thế giới và kỷ lục Pa-ra-lim-pích, vượt hơn hẳn so với kỳ đại hội năm 2008 tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Theo số liệu của ban tổ chức Pa-ra-lim-pích Luân Đôn 2012, các VĐV đã lập 137 kỷ lục thế giới mới, cao nhất là vào ngày thi đấu thứ hai với 28 kỷ lục thế giới được thiết lập ở các nội dung thi đấu, trong đó đa phần các kỷ lục đều phá vỡ kỷ lục cũ với cách biệt khá lớn.

Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Pa-ra-lim-pích Luân Đôn 2012. Ảnh: Internet
Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Pa-ra-lim-pích Luân Đôn 2012. Ảnh: Internet

Tại Pa-ra-lim-pích Luân Đôn, đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự với 11 VĐV thi đấu ở ba môn: điền kinh, cử tạ và bơi. Sự nỗ lực của các tuyển thủ nước ta rất đáng khâm phục và khen ngợi. Môn cử tạ có bốn VĐV tham dự thì có hai người về thứ tư, trong đó đáng tiếc nhất là lực sĩ Nguyễn Thị Hồng bị trượt HCĐ chỉ vì nặng hơn VĐV nước chủ nhà 300g, mặc dù cùng nâng được 88kg. Trong số bốn VĐV thi đấu môn bơi lội, Võ Thanh Tùng tuy chưa giành được huy chương, ngay cả ở nội dung thi đấu sở trường của anh là 50m bơi bướm, nhưng đã được công nhận lập kỷ lục châu Á mới ở nội dung 100m bơi tự do nam. Hai trong ba VĐV tham dự thi đấu ở môn điền kinh cũng thi đấu tốt so với thành tích của mình khi Cao Ngọc Hùng về thứ tư ở nội dung ném lao nam và Nguyễn Thị Hải đứng thứ tư ở nội dung ném lao nữ.

Pa-ra-lim-pích đã cho chúng ta thấy khả năng phi thường của các VĐV khuyết tật. Dù không giành được huy chương, nhưng những nỗ lực tuyệt vời của các VĐV là rất đáng ngợi khen. Những thành tích nêu trên từ cuộc đua tài mang lại sự ngưỡng mộ nhưng có thể nói thành tích không hẳn là yếu tố được quan tâm hàng đầu ở kỳ đại hội Pa-ra-lim-pích. Như nhiều VĐV tham gia đại hội đã khẳng định, tất cả họ đều là những người chiến thắng. Đó cũng là ý nghĩa nhân văn sâu xa mang lại từ đại hội bởi tại đây những người khuyết tật đến từ các châu lục đã có dịp giao lưu, gặp gỡ và chia sẻ những mất mát trong cuộc sống và cùng chứng tỏ nỗ lực vượt lên chính mình để mang lại niềm tự hào cho Tổ quốc, thể hiện sự bình đẳng và hội nhập trong xã hội. Pa-ra-lim-pích Luân Đôn 2012 còn là dịp để tôn vinh ý chí, nghị lực sống và bản lĩnh của những con người không cam chịu và luôn biết vượt lên số phận./.  

Khôi Nguyên (tổng hợp)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com