Kết thúc Cúp bóng chuyền nữ châu Á năm 2012, ở cấp độ đội tuyển lần đầu tiên trong lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam lọt vào top 4 trong một giải đấu cấp châu lục. Người hâm mộ rất vui mừng về chiến thắng của đội tuyển và xem đây như một “kỳ tích” của bóng chuyền nữ Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, chiến thắng của đội tuyển Việt Nam trước đội tuyển Nhật Bản và Hàn Quốc một phần do hai đội tuyển này không mang tới giải đội hình mạnh nhất. Vì thế, chiến thắng của đội tuyển Việt Nam được đánh giá về mặt tinh thần và sự tỏa sáng của một số cá nhân nhiều hơn là yếu tố chuyên môn. Điểm yếu của đội tuyển nữ Việt Nam chỉ thực sự bộc lộ sau trận thua ở trận tranh hạng 3 trước đội tuyển Kazakhstan. Trước đối thủ có lối đánh tầm cao và thiên về sức mạnh, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam cho thấy yếu điểm ở khâu bắt bước 1 và phòng thủ. Lối chơi đơn giản và thiếu tốc độ làm cho các đợt tấn công của đội tuyển chậm, thiếu sắc bén khiến chúng ta nhanh chóng thất bại với tỷ số 0-3.
Ảnh minh họa: Internet |
Nhìn vào đội tuyển nữ Thái Lan cùng ở khu vực Đông Nam Á, với chiều cao trung bình 1m75 tương đương như đội tuyển của ta nhưng tại giải đấu này, Thái Lan đã bất khả chiến bại và lên ngôi vô địch một cách hoàn toàn xứng đáng. Điều đáng nói là lối chơi và đẳng cấp giữa 2 đội tuyển có sự chênh lệch và khác biệt khá lớn. Trong khi đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam sử dụng lối chơi chưa phù hợp với tầm vóc thì đội tuyển Thái Lan luôn có một thế trận lấn lướt so với các đối thủ có thể hình vượt trội hơn mình rất nhiều. Với lối chơi tốc độ và biến hóa, tăng cường các miếng đánh, chạy chiến thuật nhiều hơn cho các chủ công, cùng với sự xuất sắc và đa dạng trong tấn công, đặc biệt là những bài tấn công sau vạch 3m rất hiểm luôn tạo ra hướng giải quyết hiệu quả khi tuyển Thái Lan bị đối thủ dồn vào thế bí hay những tình huống bất lợi. Có lẽ những điều này đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam cũng nhận ra nhưng chưa làm được (!). Những miếng đánh, những bài tấn công, nhất là những quả tấn công xa lưới của đội tuyển nữ Việt Nam vẫn tổ chức quá lộ, các chủ công thường vào đà chậm, gõ nhiều hơn đập, vì thế chưa tạo ra được sự bất ngờ. Xem đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam thi đấu có thể dễ dàng nhận thấy chúng ta đang thiếu một chủ công thực thụ có khả năng bao sân, chơi bùng nổ và đủ khả năng xoay chuyển trận đấu bằng những điểm số quyết định, mặc dù phụ công, thủ lĩnh Ngọc Hoa vẫn chơi hay…
Hiện nay, chúng ta đang có một lứa vận động viên trẻ có tiềm năng và triển vọng phát triển nhưng cần có một kế hoạch và mục tiêu cụ thể trong việc đầu tư đào tạo, tập luyện và thi đấu để họ sẽ là những người hái “quả ngọt” cho bóng chuyền Việt Nam trong tương lai gần./.
Khôi Nguyên (tổng hợp)