Vậy là Ô-lim-pích Luân Đôn 2012 đã kết thúc và thể thao Việt Nam (TTVN) đã không thể giành được tấm huy chương nào. Việc đoàn TTVN “trắng tay” tại Ô-lim-pích Luân Đôn lại một lần nữa cho thấy sự yếu kém trong công tác định hướng kế hoạch và điều hành thể thao thành tích cao... Kết quả đáng buồn đó đã phản ánh đúng thực chất với những gì mà chúng ta đã đầu tư. Từ sau SEA Games 2003, chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo VĐV đã bị bỏ quên nhiệm vụ đào tạo VĐV trẻ kế cận. Thế nên ở kỳ Thế vận hội này chúng ta chỉ có thể mang đến sân chơi Ô-lim-pích các VĐV tham dự ở dạng “học hỏi là chính” hoặc phấn đấu “vượt lên chính mình”. Thậm chí một số HLV, VĐV còn coi việc được đến thi đấu ở Ô-lim-pích là mục đích chính, chứ không phải việc giành huy chương! Đã đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào “thất bại” ngày hôm nay để rút ra những bài học nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét hơn từ nhận thức đến hành động với mong có thể hoàn thành mục tiêu của Chiến lược phát triển TTVN đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. TTVN cần có quá trình chuẩn bị chu đáo, toàn diện cho từng HLV, VĐV để họ “đủ tầm” thi đấu và cạnh tranh ngang ngửa với các đối thủ trên toàn thế giới. Ngay từ bây giờ, ngành Thể thao cần có cách tổ chức, điều hành các giải đấu thể thao một cách hợp lý để các VĐV thi đấu, cọ xát nâng cao trình độ, tư duy kỹ - chiến thuật và tâm lý thi đấu... Tập trung cải tổ công tác tìm kiếm, phát hiện tài năng thể thao. Công tác huấn luyện phải được đổi mới qua việc đưa khoa học kỹ thuật vào huấn luyện. Nâng cao chế độ dinh dưỡng cho VĐV bảo đảm phù hợp với từng môn. Công tác quản lý thể thao thành tích cao cần chặt chẽ hơn, tập trung đầu tư có trọng điểm chứ không dàn trải như hiện nay.
Màn bắn pháo hoa rực rỡ trong Lễ bế mạc Ô-lim-pích Luân Đôn 2012. Ảnh: Internet |
TTVN đã có một “bước chuyển” mạnh mẽ khi quyết tâm “đi tắt, đón đầu” tìm kiếm huy chương từ những môn “dễ” sang đầu tư cho những môn cơ bản của Thế vận hội. Giờ đây, chúng ta cần phải có thêm một bước chuyển quyết liệt hơn nữa, từ việc tham gia Thế vận hội như một mục tiêu sang quyết tâm giành huy chương. Để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ của các ban, ngành, của từng cán bộ làm việc trong bộ máy của ngành Thể thao nước nhà và trên hết là sự nỗ lực vượt khó của mỗi HLV, VĐV. Một mục tiêu rất khó, nhưng không thể không làm!
Khôi Nguyên (tổng hợp)