Chờ đến bao giờ?!

09:08, 03/08/2012

Lần đầu tiên trong lịch sử tham dự Ô-lim-pích, đoàn thể thao Việt Nam  (TTVN) đến với ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh bằng lực lượng “hùng hậu” nhất, gồm 18 vận động viên (VĐV) và đều đến với tư cách tham dự chính thức. Nhưng dường như sự gia tăng về số lượng lại không đồng nhất với sự thăng tiến về chất lượng, khi không có VĐV nào lộ diện là ứng cử viên sáng giá có thể mang về huy chương cho đoàn thể thao nước nhà. Chính vì thế mà không có một quan chức hay một người có trách nhiệm nào của ngành Thể thao dám khẳng định mục tiêu giành huy chương của đoàn TTVN trước khi các VĐV lên đường thi đấu tại Vương quốc Anh.

Đoàn thể thao Việt Nam tại Ô-lim-pích Luân Đôn 2012. Ảnh: Internet
Đoàn thể thao Việt Nam tại Ô-lim-pích Luân Đôn 2012. Ảnh: Internet

Ngay sau lễ khai mạc, các VĐV của đoàn TTVN đã bước vào các cuộc thi đấu tại đấu trường Ô-lim-pích Luân Đôn 2012. Nhưng rồi những niềm hy vọng huy chương ở giải đấu lớn nhất hành tinh cứ lần lượt mang đến sự thất vọng cho người hâm mộ. Người có nhiều khả năng tranh chấp huy chương rõ nhất là lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn ở môn cử tạ cũng đã gây thất vọng lớn khi chỉ dừng lại ở vị trí thứ tư trong sự “nuối tiếc” và “đau xót” của hàng triệu người Việt Nam theo dõi anh thi đấu qua màn ảnh nhỏ. “Nuối tiếc” cho Quốc Toàn vì anh đã ở ngưỡng cửa có thể đạt huy chương nhưng đã thất bại (kém VĐV đạt huy chương đồng là Valentin Hristov của Azerbaijan chỉ 2kg tổng cử). “Đau xót” vì Toàn đã không được chuẩn bị một cách bài bản và kỹ càng hơn. Chúng ta đã nhìn thấy một VĐV có tiềm năng, nhưng lại không đầu tư và chuẩn bị một cách chu đáo và cần thiết. Việc đầu tư cho Toàn chỉ được bắt đầu từ đầu năm nay, trong khi lẽ ra nó phải được thực hiện từ sau Ô-lim-pích Bắc Kinh 2008, hoặc ít ra cũng phải là 2 năm trước. Và có lẽ, sau khi Quốc Toàn trượt huy chương thì hy vọng lớn nhất của đoàn TTVN về một tấm huy chương ở kỳ Ô-lim-pích lần này chỉ còn trông chờ vào các võ sĩ ở bộ môn Taekwondo sẽ ra quân vào ngày 8 và 10-8 tới đây.

Nhìn các VĐV của ta thi đấu, người hâm mộ có cảm giác các VĐV luôn bị “ngợp” trước khung cảnh, trang thiết bị, điều kiện thi đấu… của nước chủ nhà và của các đội bạn. Đặc biệt, các VĐV thi đấu trong trạng thái không được sung sức nhất về thể lực, điểm rơi phong độ và dường như luôn tham dự với tinh thần “học hỏi, cọ sát” là chính. Sự non nớt về tư duy, kỹ chiến thuật và bản lĩnh, kinh nghiệm trận mạc khiến họ thi đấu với sự “tự ti” về năng lực, khả năng giành chiến thắng của bản thân và thiếu hẳn niềm khát khao để khẳng định mình trước bạn bè quốc tế. Thế nên các VĐV gần như không còn tinh thần chiến đấu vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc. Cứ đà này, không biết đến bao giờ thể thao Việt Nam mới thực sự đủ sức mạnh để có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng và đàng hoàng với các đối thủ ở những sân chơi đỉnh cao như Ô-lim-pích./.

Khôi Nguyên (tổng hợp)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com