Tại giải cầu lông Việt Nam mở rộng 2012 vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù VĐV số 1 Việt Nam là Nguyễn Tiến Minh đã lần lượt vượt qua các tay vợt Rumbaka (In-đô-nê-xi-a, hạt giống số 2), Ajay Jayaram (Ấn Độ, hạt giống số 3) hay Ueda (Nhật Bản) để bảo vệ thành công ngôi vô địch nhưng người hâm mộ vẫn chẳng thể vui được bởi đằng sau ánh hào quang ấy vẫn còn nhiều nỗi lo.
Tiến Minh vô địch đơn nam giải cầu lông Việt Nam mở rộng 2012. Ảnh: Internet |
Theo bà Huỳnh Ngọc Liên, Phó Chủ tịch Liên đoàn Cầu lông Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam là đoàn có số VĐV đăng ký tham dự giải cầu lông Việt Nam mở rộng 2012 đông nhất, với hơn 40 VĐV song không vì thế mà cầu lông Việt Nam có thể đem đến sự khởi sắc khi trình độ của các tay vợt của ta quá thấp. Trong tổng số các VĐV đăng ký tham gia giải có đến trên một nửa đã bị gạt ra vì chưa đủ trình độ. Đối với những tay vợt tham dự vòng đấu loại, chỉ mong họ tiến đến vòng đấu chính. Trong 5 nội dung tại giải đấu lần này, cầu lông Việt Nam chỉ có Nguyễn Tiến Minh (đơn nam) và Nguyễn Thị Sen - Vũ Thị Trang (đôi nữ) là được tham dự vòng đấu chính. Còn lại 3 nội dung: đôi nữ, đôi nam và đôi nam nữ, cầu lông Việt Nam chỉ được tham dự vòng loại. Vì thế, dù có số lượng VĐV tham dự khá đông trong số 13 đoàn, nhưng kết quả mà cầu lông Việt Nam giành được không mấy khả quan. Cứ nhìn vào thực trạng này mà “ngán ngẩm” cho cầu lông Việt Nam. Chúng ta đã có một VĐV nằm trong tốp 10 thế giới, được tổ chức một giải thuộc hệ thống thi đấu tính điểm Liên đoàn Cầu lông thế giới và môn cầu lông được phát triển rộng khắp ở các địa phương trong cả nước. Nhưng việc đầu tư dàn trải, không có chuyên sâu, không có kế hoạch đầu tư trọng điểm và lực lượng kế cận… đã khiến cầu lông Việt Nam dậm chân tại chỗ. Trường hợp tiêu biểu nhất là của tay vợt Vũ Thị Trang. Cô đã từng đoạt Huy chương Đồng Ô-lim-pích trẻ tại Xinh-ga-po năm 2009. Xuất phát điểm tuyệt vời là thế nhưng sau gần 3 năm cô vẫn không tiến triển được do không được thi đấu nhiều và đã tụt xuống hạng 174 thế giới. Trong khi đó, tay vợt của Thái Lan là Taerattanachai Sapsiree cùng vào bán kết với Trang năm 2009 đã vươn lên hạng 34 thế giới. Lực lượng đông, nhưng không tinh đã khiến người hâm mộ chưa thể vui được. Bản thân tay vợt kỳ cựu Nguyễn Tiến Minh đã nói rằng, với việc đầu tư cho cầu lông như ở Việt Nam thì thành tích mà anh đã đạt được ở Ô-lim-pích là tương xứng, không thể trông mong gì hơn. Nhìn sang Ma-lai-xi-a, họ đã tìm được một khoản tài trợ lên đến 5 triệu USD cho một VĐV cầu lông mà còn chưa kiếm được tấm Huy chương Vàng đơn nam ở Ô-lim-pích, huống hồ ở Việt Nam phải rất vất vả mới kiếm được 4.000 USD để thuê “quân xanh” cho Tiến Minh tập luyện chuẩn bị cho Ô-lim-pích. Vì thế dù là hạt giống số 1 và là đương kim vô địch giải Việt Nam mở rộng, nhưng Tiến Minh đã rất vất vả mới giành được chiến thắng tại giải năm nay.
Vì vậy, để đạt được những mục tiêu cao hơn, Liên đoàn Cầu lông Việt Nam cần phải thay đổi cách làm với những bước đi và kế hoạch thực hiện cụ thể. Đổi mới cách tuyển chọn và đào tạo lực lượng VĐV. Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa môn cầu lông ở các địa phương nhằm phát huy được các ưu điểm và huy động được sức mạnh tổng hợp của cả cộng đồng trong việc hướng đến những mục tiêu cao hơn trong tương lai./.
Khôi Nguyên (tổng hợp)