Những năm gần đây, huyện Xuân Trường đã thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa hoạt động TDTT, phát triển nhanh hệ thống cơ sở vật chất, tổ chức các giải đấu đáp ứng nhu cầu tập luyện, rèn luyện sức khỏe của nhân dân.
Xác định cơ sở vật chất, điều kiện sân bãi cho việc tập luyện là nền móng để phong trào TDTT phát triển, các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân trong huyện đã tích cực huy động các nguồn để đầu tư xây dựng. Cả 20 xã, thị trấn trong huyện tới các xóm, thôn, tổ dân phố, các cơ quan, đơn vị, trường học, khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh đều xây dựng sân chơi, mua sắm trang thiết bị tập luyện; trong đó tập trung vào 3 môn thể thao được nhiều người yêu thích là cầu lông, bóng chuyền, bóng bàn. Đến nay, toàn huyện có 7 nhà thi đấu cầu lông, trong đó 4 nhà thi đấu thuộc các cơ quan của huyện và 3 nhà thi đấu của các xã Xuân Ngọc, Xuân Thủy, Xuân Hồng. Trung bình mỗi xã, thị trấn có 2 sân cầu lông ngoài trời được xây dựng với kinh phí khoảng 10 triệu đồng/sân. Hiện tại toàn huyện có 120 sân bóng chuyền, trên 200 bàn bóng bàn… của các cơ quan, doanh nghiệp, các xã, thị trấn, đáp ứng nhu cầu tập luyện, thi đấu giao lưu của cán bộ, nhân dân. Trong 312 xóm, tổ dân phố của huyện, đã có 120 xóm, tổ dân phố xây dựng nhà văn hóa có sân chơi thể thao. Để xây dựng nhà văn hóa, sân chơi thể thao theo tiêu chí NTM, Phòng VH-TT huyện đã hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức xây dựng theo quy hoạch bảo đảm đủ diện tích 500m2. Đối với những xã, thị trấn có quỹ đất, mỗi xóm phải có khu thể thao diện tích tối thiểu 2.000m2; nếu ít đất thì các xóm liên kết với nhau xây dựng sân chơi thể thao đảm bảo đủ diện tích. Từ nay đến năm 2015, huyện có cơ chế hỗ trợ các xóm xây dựng sân tập, nhà thi đấu, nhà văn hoá với mức từ 10-30 triệu đồng tuỳ theo tiến độ hoàn thành công trình. Cùng với việc xây dựng mới, những thiết chế thể thao cũ cũng được cải tạo, nâng cấp, tạo thuận lợi cho nhân dân tập luyện. Chuẩn bị cho các giải thể thao trong ngày hội VH-TT huyện được tổ chức vào tháng 9-2012, huyện đã sửa sân vận động và sân nhà văn hóa huyện với kinh phí hàng trăm triệu đồng. Cũng từ việc huy động các nguồn trong nhân dân, nhiều môn thể thao truyền thống như đấu vật, thổi cơm thi, leo cầu ngô, tổ tôm điếm, bơi chải… đã từng bước được khôi phục và phát triển ở các lễ hội làng An Cư (Xuân Vinh), làng Xuân Bảng (Thị trấn Xuân Trường), làng Xuân Hy (Xuân Thủy), chùa Keo Hành Thiện (Xuân Hồng), làng Nhân Thọ (Thọ Nghiệp)...
Điều kiện cơ sở hạ tầng đã tạo điều kiện đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT khi ngày càng nhiều CLB, điểm, nhóm tập luyện thể thao được thành lập. Ngoài hội cầu lông huyện được thành lập, đến nay trên địa bàn huyện đã có thêm 4 hội thể thao: bóng bàn, bóng đá, cầu lông, võ thuật; 5 CLB thể thao cấp huyện và gần 160 CLB, điểm, nhóm tập luyện thể thao hoạt động sôi nổi, nền nếp. Công tác xã hội hóa TDTT ở huyện Xuân Trường thể hiện rõ nhất ở tổ chức các giải đấu thể thao từ cấp huyện đến cơ sở. Trung bình mỗi năm, toàn huyện diễn ra từ 12-15 giải thể thao cấp huyện do các cơ quan, đơn vị tổ chức; gần 40 giải thể thao cấp xã và hàng trăm cuộc thi đấu giao lưu, giao hữu thể thao khác… Đặc biệt, từ năm 2004 đến nay huyện đã duy trì tổ chức ngày hội VH-TT huyện vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Cùng với nguồn kinh phí do huyện hỗ trợ, các hội thể thao đứng ra vận động hội viên có điều kiện kinh tế, các doanh nghiệp tham gia ủng hộ để tổ chức các giải thi đấu. Nhiều doanh nghiệp tài trợ hàng chục triệu đồng để trao thưởng, trang bị trang phục, dụng cụ thi đấu… các giải đấu cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền. Giải cầu lông nhân kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam 28-6 vừa qua có sự tham gia 34 VĐV trong các gia đình đến từ 17 xã, thị trấn trong huyện đã được Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc (Xuân Kiên) tài trợ toàn bộ kinh phí tổ chức, quần áo thi đấu. Ở các xã, thị trấn, phong trào huy động các nguồn lực xã hội tổ chức các hoạt động thể thao diễn ra thường xuyên. Nhiều đơn vị làm tốt công tác xã hội hóa tổ chức các giải thể thao gồm các xã: Xuân Tân, Xuân Ngọc, Thị trấn Xuân Trường… Xã Xuân Tân ở xa trung tâm huyện, đời sống nhân dân còn khó khăn nhưng mỗi năm cũng huy động được khoảng 100 triệu đồng để tổ chức các hoạt động thể thao. Hằng năm, xã Xuân Bắc đều tổ chức giải bóng chuyền vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám với kinh phí gần 20 triệu đồng, trong đó ngân sách địa phương hỗ trợ 4-5 triệu đồng, còn lại do nhân dân đóng góp. Thị trấn Xuân Trường là đơn vị mạnh của huyện về công tác xã hội hóa tổ chức các giải thể thao cầu lông, bóng chuyền hằng năm với kinh phí gần 100 triệu đồng, trong đó ngân sách xã hỗ trợ 10-20 triệu đồng, còn lại là đóng góp của cán bộ, nhân dân ở 18 tổ dân phố.
Từ khơi dậy sức dân, phong trào TDTT huyện Xuân Trường đã có bước phát triển mạnh mẽ, thu hút ngày càng nhiều người tham gia. Nhiều năm liền, huyện đạt giải cao tại các giải cầu lông, bơi chải, việt dã… do Sở VH, TT và DL tổ chức. Huyện đang xây dựng kế hoạch tổ chức các giải thể thao tiến tới ngày hội VH-TT diễn ra trong dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9; tham gia các giải thể thao do Sở VH, TT và DL tổ chức chào mừng kỷ niệm 750 Thiên Trường - Nam Định, đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh./.
Đức Thiện