Bế tắc!

08:07, 13/07/2012
U22 Việt Nam gặp U22 Philippines trong khuôn khổ vòng loại giải U22 châu Á. Ảnh: Internet
U22 Việt Nam gặp U22 Philippines trong khuôn khổ vòng loại giải U22 châu Á.
Ảnh: Internet

Những thất bại liên tiếp của đội tuyển U22 quốc gia tại vòng loại giải U22 châu Á vừa qua đã khiến dư luận không khỏi lo ngại về tương lai của nền bóng đá nước nhà. Nhiều người cho rằng, cứ đà lẹt đẹt ở sân chơi khu vực, từ SEA Games đến AFF Cup, rồi vòng loại World Cup, vòng loại Olympic… thì chắc chắn tương lai của đội tuyển quốc gia sẽ là màu xám khi chúng ta liên tiếp thất bại trước Thái Lan, Ma-lai-xi-a, giờ lại để My-an-ma “qua mặt”. Hậu quả nhãn tiền này có nguyên nhân sâu xa đó là nền bóng đá của chúng ta đã phát triển không vững chắc, chưa tạo được nền móng vững vàng, ấy là sự bế tắc trong đào tạo bóng đá trẻ. Nhìn vào giải bóng đá vô địch quốc gia V.League trong những năm qua cho thấy, số câu lạc bộ (CLB) có hệ thống, cơ sở đào tạo bóng đá trẻ bài bản để cung cấp lực lượng kế cận cho chính mình chỉ đếm chưa đầy một bàn tay. Các CLB xây dựng lực lượng cho mình bằng cách “vung tiền” ra chiêu mộ cầu thủ khắp nơi, rồi tổ chức “nhập tịch” cầu thủ diễn ra rộng khắp và phổ biến. Hơn nữa, vì thành tích của CLB nên các huấn luyện viên cũng không dám sử dụng các cầu thủ trẻ. Thế nên, nhiều cầu thủ trẻ có triển vọng, có tài năng, năng khiếu lại “không có đất” để rèn luyện, thi đấu cọ sát, nâng cao trình độ chuyên môn cũng như kỹ, chiến thuật và tâm lý, bản lĩnh thi đấu. Nhận thức được sự tụt hậu của nền bóng đá nước nhà, mới đây, các cơ quan quản lý bóng đá đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên trong buổi thảo luận, dù tất cả các đại biểu đều nhất trí cho rằng cần phải chú trọng tới công tác đào tạo bóng đá trẻ nhưng lại chưa nêu được phương án cụ thể nào. Ông Lê Bửu, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục TDTT cho rằng: “Trong bản dự thảo mà ban tổ chức đưa ra đã không đề ra được một kế hoạch cụ thể, xuyên suốt và có tính khả thi cao mà thấy cứ chung chung…”. Cũng nói về công tác đào tạo bóng đá trẻ, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khóa II, Trần Văn Mui nhận xét: VFF không có định hướng rõ ràng về chiến lược đào tạo bóng đá trẻ, bởi cho đến giờ VFF chỉ mới xây dựng được một trung tâm đào tạo bóng đá trẻ quốc gia. Trong khi muốn bóng đá Việt Nam phát triển hơn nữa cần nhiều trung tâm đào tạo trẻ quốc gia…

Nhìn ở khía cạnh khác, sự thất bại của đội tuyển U22 quốc gia trước những đối thủ trực tiếp tại SEA Games sắp tới là Ma-lai-xi-a hay My-an-ma còn cho thấy sự bế tắc về chuyên môn khiến đội bóng rơi vào tình trạng khó phát huy được năng lực thực sự của mình. Nguyên nhân dẫn tới điều đó là do thiếu sự kiên nhẫn và thói quen tư duy thành tích ngắn hạn nên cả đội tuyển U22 lẫn đội tuyển quốc gia phải thường xuyên thay huấn luyện viên trưởng. Bài cũ chưa thuộc đã đổi thầy mới… Và sự luẩn quẩn giữa cũ và mới ấy đã kéo theo sự tụt hậu theo hệ thống của bóng đá nước nhà. Rõ ràng sự thiếu ổn định là “căn bệnh trầm kha” mà bóng đá Việt Nam đang mắc phải bấy lâu nay. Không khó để nhận ra điều đó nhưng để thừa nhận nó thì lại rất cần sự dũng cảm và lòng tự trọng./.

Khôi Nguyên (tổng hợp)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com