Pháp đã từng 2 lần vô địch EURO (1984, 2000). Anh chưa bao giờ làm được việc ấy! Cả hai đều từng vô địch thế giới (Anh – 1966, Pháp – 1998).
Xét quá khứ, Anh ở cửa dưới. Nhưng không ai trao giải theo “tiểu sử”. Họ bình đẳng trong trận đấu đêm nay.
Ở vòng loại, Pháp thắng 6 trận, hòa 3, thua 1, được 21 điểm. Nhưng đối thủ của Pháp lúc ấy chỉ là Bê-la-rút, Lúc-xăm-bua, Bô-xni-a & Héc-xê-gô-vi-na, Ru-ma-ni, An-ba-ni. Anh thắng 5 trận, hòa 3, không thua, trước Mông-tê-nê-grô, Thụy Sĩ, Xứ Uên và Bun-ga-ri, được 18 điểm. Cả hai đều đứng đầu bảng, trước các đối thủ dưới cơ.
Suốt 22 trận gần đây, Pháp bất bại, trong đó có trận thắng Anh ngay trên sân khách. Pháp đã đứng dậy sau đống tro tàn của người đầu bếp đáng ghét nhất trong lịch sử, Đô-mê-nếch, với Lo-răng Blăng, người được cả nước Pháp yêu mến và tin tưởng. Bây giờ họ đến sân, không ầm ĩ, không ồn ào, không ngạo mạn tự phụ, không với tư cách ứng viên, chỉ với nỗi đau Nam Phi đã chai sần lại cùng với sự đoàn kết và khối quyết tâm “làm lại cuộc đời” từ sau những đổ vỡ. Dưới tay L.Blăng, Pháp có không ít danh thủ, chí ít thì cũng không ít hơn các ứng viên hạng 2. Đó là “Chàng mặt sẹo” Ri-bê-ri mà D.Di-đan coi là “Báu vật của bóng đá Pháp bây giờ”, là Ben-dê-ma về từ Real Madrid của Mua-ri-nhô vừa vô địch xứ đấu bò, là Sa-mi Na-xri vừa cùng Man Xanh vô địch giải Anh dữ dội, là Ma-lu-đa vừa cùng Chelsea vô địch cúp Champions League. Ngoài ra, A.Đi-a-ra, Y.Ca-bay-e, M.Van-bu-ê-na, P.Ê-vra, B.Sác-na, E.A-bi-đan, L.Kô-xi-en-ni... Cũng là những cái tên có giá.
Còn đội Anh, không Phơ-đi-năng, không Ru-ni (2 trận vòng bảng), trong khi Ghê-ra, và Scốt Pac-cơ đều không ở phong đội cao và những cái tên như Y-ung, Đ.Vơ-bếch, J.Đờ-phâu, A.Ca-rôn... Chỉ là “tiềm năng” hoặc trung bình. Rồi lại đang lúng túng vì thay HLV trưởng, tìm đội trưởng; rồi mất lòng nhau, rồi cáo buộc chủng tộc v.v...
Về lý thuyết, Anh thua. Nhưng bóng đá nhiều khi “phi lý thuyết” – Đan Mạch vừa hạ Hà Lan xong – và vì thế, dù Pháp có đủ lý do để chiến thắng, thì Anh có một lý do để hy vọng. Đó là lối chơi bóng thể lực, xẻ biên, lật cánh, đánh đầu của họ có thể có nhiều thời điểm “khủng bố” được đội Pháp, đội vốn không giỏi món võ này.
Dự đoán: Pháp thắng 2-1.
U-CRAI-NA – THỤY ĐIỂN (1 giờ 45 phút ngày 12-6)
Hai quả bóng vàng trong tủ kính
Một chàng cướp biển dọa ai nào?
Hai “Quả bóng vàng” – Ô-lếch Blô-khin là HLV, Sép-chen-cô là đội trưởng, vốn đều là học trò của Lô-ba vĩ đại, là cựu thành viên của Đi-a-mô Ki-ép trứ danh xưa – nhãn hiệu U-crai-na không phải là dở. Nhưng nhìn quanh, bên cạnh một Sép-chen-cô đã từ lâu không tỏa sáng, trên sân chỉ còn có thể nhớ được A-na-tô-li Ti-mô-chúc về từ B.Mu-ních trở về; Chi-grin-xki về (thải) từ Bác-xê-lô-na và thủ môn A-lếch-xăng-đơ Xốp-cốp-xki. Quá ít cho một chiến dịch!
Dựa vào ánh hào quang xưa và lợi thế sân nhà, họ cũng khó thắng được một “Vi-king” của thủ lĩnh I-bra-hi-mô-vích. Đã thế, vì là đồng chủ nhà, nên U-crai-na ít được cọ xát. Nếu các nhân tố mới, những triển vọng của họ, như: Ia-mô-len-kô, Kô-nô-pli-an-ka và Ia-rô-sláp Ra-kít-xki có thể tỏa sáng, thì may ra mới có được chút “ánh sáng cuối đường hầm”.
Thụy Điển, với “Vua Mi-đa” I-bra-hi-mô-vích, đứng thứ nhì vòng loại bảng E với 24 điểm, chỉ sau Hà Lan (27 điểm), luôn là đội khá ở châu Âu. Vào một ngày đẹp trời, họ có thể vô địch Xcăng-đi-na-vơ và chả sợ ai. Nhưng EURO dài những gần 1 tháng, lấy đâu ra nhiều ngày đẹp trời thế? Nói dại, khi I-bra-hi-mô-vích hắt hơi, sổ mũi, Thụy Điển chả hơn U-crai-na là mấy.
Trừ đi, cộng lại, trận này khó có ai dọa được ai, khó có tỷ số chênh lệch lớn, trừ khi một trong hai vỡ trận.
Theo: qdnd.vn