Sức mạnh đoàn kết

08:05, 04/05/2012

Tại Giải cử tạ vô địch châu Á vừa diễn ra tại Hàn Quốc, lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn (TP Hồ Chí Minh) đã thi đấu xuất sắc khi mang về tấm HCB cho Đoàn Thể thao Việt Nam. Thành tích này đã giúp cử tạ nước ta chắc chắn có một vé dự Olympic Luân Đôn 2012, đồng thời góp phần hoàn thành mục tiêu của Đoàn thể thao Việt Nam là giành 15 suất dự Olympic Luân Đôn 2012. Nhưng niềm vui đó dường như không trọn vẹn bởi những việc không nên có ở cấp độ VĐV và đội tuyển quốc gia. Còn nhớ, Đội tuyển cử tạ Việt Nam đã lên đường dự Giải cử tạ vô địch châu Á, cũng là vòng tuyển chọn Olympic Luân Đôn 2012 của châu lục, với niềm hy vọng giành vé dự Olympic Luân Đôn 2012 được đặt vào hai lực sĩ xuất sắc là Thạch Kim Tuấn và Trần Lê Quốc Toàn. Cả hai huấn luyện viên (HLV) dẫn dắt Tuấn và Toàn đều tỏ ra tin tưởng vào các học trò của mình. Không cần phải nói ra thì ai cũng dễ dàng nhận thấy ở đây có sự cạnh tranh ngấm ngầm nhưng hết sức quyết liệt giữa hai VĐV và cả hai HLV này bởi cử tạ chỉ được ban tổ chức dành cho một vé tham dự Olympic năm nay. Mang danh là đội tuyển cử tạ quốc gia nhưng VĐV Thạch Kim Tuấn tập riêng với HLV của mình tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi Trần Lê Quốc Toàn và các đồng đội cùng chuyên gia lại tập tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia I (Hà Nội). Như vậy có thể thấy, thay vì chụm lại tính toán, bàn thảo để cạnh tranh với các đối thủ của châu lục thì các VĐV của ta lại dồn sức để… loại nhau. Trong thực tế, không chỉ có môn cử tạ mà một số môn như Judo, Teakwondo, bơi lội… cũng rơi vào những tình trạng tương tự. Cứ tới lúc tập trung đội tuyển quốc gia thì lại chia ra tập ở hai miền Nam, Bắc. Mỗi đội lại có HLV riêng, kỹ - chiến thuật riêng… Chỉ tới khi dự giải mới nhập làm một nhưng vẫn “đường ai nấy đi”, trò ai thì HLV ấy lo, còn vị HLV trưởng đội tuyển quốc gia chỉ là danh nghĩa. Điển hình như trường hợp của VĐV Hoàng Quý Phước ở môn bơi lội mới đây, khi đội tuyển với đầy đủ các “ban bệ” đang tập huấn ở Mỹ, Phước đã “bỏ về” tập riêng với HLV của mình ở Trung Quốc. Khi chứng kiến những chuyện này, nhiều chuyên gia nước ngoài không khỏi ngạc nhiên vì không hiểu sao các VĐV, các HLV của ta lại cứ nhăm nhăm “đấu với nhau” như vậy thay vì nỗ lực cho đội tuyển quốc gia.

Rõ ràng, tính cục bộ địa phương và cách làm như trên ở một số đội tuyển, HLV và những người có trách nhiệm chính là “hòn đá tảng” đang cản đường phát triển của thể thao nước nhà. Trong khi các nước trong khu vực đang tiến những bước dài với việc dễ dàng đoạt vé dự Olympic Luân Đôn 2012 thì chúng ta vẫn còn mải mê… chọi nhau. Ở bất cứ môn thể thao nào, sự đoàn kết chính là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh cho mỗi VĐV cũng như từng đội tuyển. Khi sức mạnh - tình đoàn kết của nền thể thao bị “chia nhỏ” thì hiển nhiên thành quả thu được sẽ không lớn và như thế thì còn lâu chúng ta mới có thể “sánh vai” với cường quốc thể thao trong khu vực, châu lục và thế giới./.

Khôi Nguyên (tổng hợp)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com