Tại lễ trao thưởng vận động viên (VĐV) xuất sắc năm 2011 vừa qua, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, ông Hoàng Vĩnh Giang thông báo, hiện nước ta đã giành được 8 suất đến thẳng Olympic Luân Đôn 2012 và nhiều khả năng sẽ giành thêm để hoàn thành mục tiêu giành 15 suất dự Olympic 2012. Đây là một thông tin rất đáng tự hào đối với nền thể thao nước nhà. Nhưng đằng sau đó, dư luận vẫn còn rất nhiều băn khoăn, tự đặt câu hỏi: Sau chiếc vé dự Olympic là gì khi mà việc quản lý, giáo dục, sự quan tâm đầu tư để các VĐV nâng “tầm” vẫn chưa thực sự tương xứng? Sau sự việc các VĐV đội tuyển Rowing quốc gia bỏ trốn tại Australia khi đi tập huấn, giờ lại đến việc VĐV Hoàng Quý Phước và 4 VĐV cùng 2 huấn luyện viên đội tuyển bơi lội sang Mỹ rèn tài cũng đang “rối như tơ vò” vì nội bộ xảy ra nhiều mâu thuẫn. Rồi chuyện, VĐV Phan Thị Hà Thanh - niềm hy vọng lớn nhất của môn Thể dục dụng cụ Việt Nam đến giờ vẫn chưa có huấn luyện viên? Còn VĐV Lê Thị Hoàng Ngọc - một trong 2 VĐV của môn bắn súng đã giành được vé đến Olympic Luân Đôn chia sẻ: “Từ khi giành vé dự Olympic, tuy chương trình tập luyện có được đầu tư hơn, nhưng tôi vẫn phải tập bắn với bia giấy vì ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia I - Nhổn Hà Nội chỉ có thế. Hơn nữa từ đầu năm đến nay chưa có đợt tập huấn nước ngoài nào!”. Bên cạnh đó, chế độ tập luyện, thù lao… đối với VĐV đã giành suất tham dự Olympic cũng không có gì khác so với những VĐV bình thường ở đội tuyển quốc gia. Ngoài khoản tiền ăn được chuyển thẳng cho Trung tâm, họ chỉ nhận được tiền công 150 nghìn đồng/ngày (trừ thứ bảy, chủ nhật). Như vậy có nghĩa là, mỗi tháng họ chỉ nhận được khoảng 3,6 triệu đồng. Thử hỏi, trong bối cảnh giá cả các mặt hàng tiêu dùng leo thang như hiện nay thì khoản tiền đó có thể động viên họ yên tâm, tiếp tục phấn đấu vươn lên giành thành tích cao, đặc biệt đối với những VĐV đã có gia đình.
Rõ ràng không thể vì mục tiêu “lập kỷ lục” về số VĐV giành vé tham dự 1 kỳ Olympic mà “coi nhẹ” công tác quản lý, giáo dục cũng như bỏ qua việc đầu tư chuyên sâu cho những VĐV mũi nhọn. Ngành thể thao cũng đừng quên rằng: “lượng” - số VĐV tham dự quan trọng, nhưng “chất” - số huy chương đạt được mới là yếu tố quyết định sự hơn, kém của thể thao Việt Nam ở kỳ Olympic này so với các kỳ Olympic trước; rộng hơn đó là vị trí của nền thể thao nước nhà so với thể thao các nước trên thế giới./.
Khôi Nguyên (tổng hợp)