Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) tỉnh lần thứ VIII-2012 tổ chức từ ngày 18 đến 21-3-2012 tại Thành phố Nam Định diễn ra khá sôi nổi. Qua HKPĐ tỉnh đã ghi nhận những chuyển biến mới trong công tác giáo dục thể chất học đường, sự thành công về công tác tổ chức HKPĐ các cấp, đồng thời chỉ rõ những tồn tại cần khắc phục để giáo dục thể chất học đường ở tỉnh ta vươn tới những mục tiêu trong tương lai.
HKPĐ tỉnh lần thứ VIII-2012 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với sự tham dự của 10 phòng GD và ĐT huyện, thành phố (tiểu học và THCS) và 55/56 trường THPT gồm 1.972 VĐV, tăng 123 VĐV so với kỳ HKPĐ tỉnh lần thứ VII-2008. Ngoài những môn thi đấu quen thuộc như điền kinh, bóng bàn, bóng đá, cờ vua, cầu lông, aerobic, 2 môn mới được đưa vào tranh tài là kéo co, đá cầu cũng thu hút khá đông VĐV tranh tài. Qua 4 ngày thi đấu cho thấy, chất lượng VĐV các đơn vị tham gia khá cao, đồng đều giữa các vùng, miền trong tỉnh đã tạo cho các cuộc tranh tài khá sôi nổi, hấp dẫn thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Đã có 3 kỷ lục HKPĐ bị phá, chủ yếu ở môn điền kinh và xác lập kỷ lục 2 môn mới. Ở nội dung chạy 100m nam THPT, em Nguyễn Đức Chinh, học sinh THPT Trần Hưng Đạo đã đạt 10 giây 85 (kỷ lục trước của HKPĐ là 11 giây 2). 4 kỷ lục còn lại nằm ở nội dung thi đấu cấp THCS, trong đó 2 em Lại Tuấn Anh (Hải Hậu) và Nguyễn Tuấn Anh (Nam Trực) đã chinh phục mức xà 1,7m (kỷ lục cũ của HKPĐ là 1,65m). VĐV Nguyễn Thị Bích của Thành phố Nam Định đã lập kỷ lục mới là 27 giây 70 nội dung chạy 200m nữ THCS. Em Bích cũng phá kỷ lục 800m nữ THCS với thành tích 2 phút 21 giây 8. Trên đường chạy 1.500m nam THCS, nếu không bị chấn thương thì thành tích của học sinh Trịnh Văn Hòa (TP Nam Định) đã không dừng lại ở 4 phút 35 giây 30, mặc dù đây là kỷ lục mới của HKPĐ. Ở môn bóng đá, em Trần Mạnh Hùng lớp 9B trường THCS Nam Vân đã trở thành VĐV đầu tiên trong HKPĐ ghi tới 6 bàn trong 2 trận đấu… Với việc các phòng GD và ĐT và các trường THPT giành thứ hạng cao phân bố trong diện rộng, ở cả những nơi có điều kiện kinh tế thuận lợi cũng như khó khăn đã khẳng định sự phát triển đồng đều của công tác giáo dục thể chất ở khắp các địa phương trong tỉnh. Đạt được thành quả đó là do những năm qua, ngành GD và ĐT tỉnh luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất trong trường học. Các trường học trong tỉnh từ tiểu học, THCS, THPT đã thường xuyên đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động TDTT, đổi mới phương pháp dạy học thể chất theo quy định của Bộ GD và ĐT, phòng chống mỏi mệt giữa giờ, giúp học sinh có sức khỏe tốt phục vụ cho việc học văn hóa có hiệu quả. Chương trình thể thao ngoại khóa được phát triển mạnh. Nếu năm 2005, chỉ có khoảng 88% các trường học THCS, THPT có chương trình thể thao ngoại khoá thì đến năm học 2010-2011, cả 55 trường THPT công lập, dân lập và tư thục, 245 trường THCS trong tỉnh thực hiện (đạt 100%). Vào các ngày lễ, các trường đã tổ chức các giải thể thao để tạo sân chơi cho các em, tạo khí thế trong phong trào thể thao của học sinh. Qua các giải thể thao, các trường tuyển chọn, đào tạo VĐV tham gia các kỳ thi học sinh giỏi TDTT do ngành GD và ĐT tổ chức đã tạo điều kiện cho các em học sinh thi đấu cọ sát, nâng cao trình độ. Bên cạnh đó, công tác giáo dục thể chất nhà trường còn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, từ việc huy động vốn xây dựng cơ sở vật chất đến tổ chức các hoạt động thể thao. Riêng trong dịp hè, Ban chỉ đạo hoạt động hè từ tỉnh đến các xã đều xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động thể thao giúp các em vừa nâng cao sức khỏe, có sân chơi bổ ích, lý thú, tránh xa các tệ nạn xã hội. Tại HKPĐ lần này, địa phương nào quan tâm tổ chức các hoạt động thể thao cho các em thì học sinh nơi đó đều chứng minh thế mạnh, như kéo co, aerobic (Giao Thủy), bóng bàn (Hải Hậu), điền kinh, cờ vua (Ý Yên), bóng đá THCS (TP Nam Định)...
Đồng diễn trong Lễ Khai mạc HKPĐ tỉnh lần thứ VIII-2012. Ảnh: Xuân Thu |
HKPĐ lần này cũng đánh dấu sự thành công của công tác tổ chức từ cấp cơ sở đến tỉnh. HKPĐ các cấp đều diễn ra an toàn, đúng thời gian, kế hoạch, thực sự là ngày hội thể thao của tuổi trẻ học đường. Thành phố Nam Định là đơn vị tổ chức HKPĐ điểm cấp huyện với sự tham gia của 695 VĐV THCS, 286 VĐV tiểu học có nhiều VĐV đạt thành tích cao. Trong điều kiện gặp nhiều khó khăn nhưng huyện Vụ Bản cũng tổ chức HKPĐ sôi nổi với sự tham gia của 45 đơn vị, 686 VĐV. Tại HKPĐ tỉnh lần thứ VIII-2012, huyện tiếp tục giữ vững thứ hạng nhì toàn đoàn từ HKPĐ lần VII-2008. Khối các trường THPT, sau khi trường THPT Trần Hưng Đạo tổ chức HKPĐ điểm, các trường THPT trong tỉnh cũng đã chuẩn bị chu đáo và tổ chức tốt HKPĐ. Ở vùng chân sóng, HKPĐ của Trường THPT Thịnh Long diễn ra sôi nổi với sự tham gia của 768 học sinh nam, nữ thi đấu nội dung bóng đá, điền kinh, bóng bàn, cờ vua, đá cầu. Dù mới thành lập và đi vào hoạt động từ năm học 2010-2011, Trường THPT Lý Nhân Tông (Ý Yên) cũng tổ chức HKPĐ với sự tham gia của 220 VĐV tranh tài đầy đủ ở 8 môn thi đấu, tuyển chọn đội tuyển tham gia cấp cụm. Tại HKPĐ tỉnh, đội tuyển aerobic của Trường THPT Lý Nhân Tông đã thi đấu xuất sắc, giành vị trí thứ 3. Công tác tổ chức quy củ, nề nếp, an toàn thể hiện rõ nhất tại lễ khai mạc và các cuộc thi đấu tại HKPĐ tỉnh. Nhờ sự phối hợp của ngành GD và ĐT và các ngành Công an, Y tế, VH, TT và DL, với số lượng VĐV, trọng tài và học sinh đồng diễn có lúc lên tới trên 15.000 người nhưng diễn ra an toàn tuyệt đối; cơ sở vật chất tại 5 địa điểm thi đấu khá tốt. Các trọng tài của ngành GD và ĐT đã phối hợp tốt với HLV của ngành VH, TT và DL điều khiển các môn thi đấu công tâm, khách quan, không xảy ra khiếu nại như những lần HKPĐ trước. Sau khi HKPĐ kết thúc, cả 2 ngành đã triển khai việc tuyển chọn, bổ sung VĐV đạt thành tích cao các môn: bóng đá, aerobic, điền kinh, bơi lội, cờ vua, cầu lông, bóng bàn… để chuẩn bị cho HKPĐ toàn quốc lần thứ VIII-2012 được tổ chức vào trung tuần tháng 8 tới tại Thành phố Cần Thơ.
Tuy nhiên, qua thành tích thể hiện tại HKPĐ tỉnh lần thứ VIII-2012 cho thấy, so với mặt bằng phát triển chung của thể thao học đường toàn quốc, tỉnh ta vẫn ở mức trung bình. Nguyên nhân do việc đào tạo, bồi dưỡng VĐV năng khiếu ở một số trường chưa thật sự hiệu quả, thiếu sự chuyên nghiệp, bài bản. Có trường học quá chú trọng đạt thành tích trong việc giảng dạy văn hóa, coi nhẹ công tác giáo dục thể chất cũng như bồi dưỡng trình độ giáo viên thể chất dẫn tới bỏ sót VĐV năng khiếu hoặc huấn luyện không đúng cách, VĐV không phát huy hết năng khiếu. Môn điền kinh có số lượng VĐV đông nhất, nhiều nội dung thi đấu nhất đã thể hiện các mặt tồn tại của công tác giáo dục thể chất học đường. Nhiều VĐV nhảy cao có thể hình, thể lực tốt nhưng không thực hiện đúng động tác lưng qua xà, có em nhảy úp bụng, kỹ thuật bật không đúng. Ở môn nhảy xa, nhiều VĐV không nắm được kỹ thuật cắt kéo trên không trước khi tiếp đất. Ở một số môn thi đấu, thành tích không cao, thậm chí không bằng HKPĐ lần trước. Nội dung nhảy xa nam THCS, thành tích tại HKPĐ năm nay chỉ trên 5,8m, kém xa so với thành tích 4 năm trước của HKPĐ tỉnh lần thứ VII-2008 là 6,2m. Nội dung nhảy xa THPT cũng vậy, HKPĐ lần thứ VII-2008 là 7m thì tại HKPĐ lần này chỉ dừng lại ở 6,5m. Theo đánh giá của các HLV điền kinh Trường Nghiệp vụ TDTT Nam Định, mặc dù bộ môn điền kinh có các kỷ lục mới nhưng không có nhiều khả năng giành huy chương tại HKPĐ toàn quốc sắp tới. Bên cạnh đó, HKPĐ lần này vẫn chứng kiến sự chênh lệch quá lớn về trình độ VĐV năng khiếu thể thao ở 2 trường THPT Trần Hưng Đạo và THCS Phùng Chí Kiên (các VĐV cấp I, cấp Kiện tướng không được tham gia) với VĐV các trường học khác. Gần 20 năm qua, mô hình đào tạo VĐV năng khiếu thể thao của ngành GD và ĐT và ngành VH, TT và DL vẫn chưa được nhân rộng tại các trường học khác, dẫn tới nhiều tài năng thể thao không được phát hiện, bồi dưỡng, ảnh hưởng đến chất lượng của HKPĐ tỉnh cũng như thành tích tham dự các kỳ HKPĐ toàn quốc.
Trên cơ sở những mặt được và chưa được của HKPĐ tỉnh lần thứ VIII-2012, trong thời gian tới ngành GD và ĐT cần tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên về đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục thể chất cho học sinh, đi đôi với phát hiện, bồi dưỡng tài năng thể thao góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chăm lo phát triển con người toàn diện cả về tư tưởng đạo đức, trí tuệ và thể lực. Cùng với việc quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động thể thao ngoại khóa, ngành cần bồi dưỡng lực lượng giáo viên thể chất các trường học, nhất là khi đưa các môn thể thao mới vào giảng dạy, tổ chức các giải đấu, xây dựng các lớp đào tạo học sinh giỏi TDTT trong các nhà trường… Đặc biệt, ngành GD và ĐT và các địa phương cần duy trì thường xuyên công tác giáo dục thể chất, phát hiện, đào tạo học sinh năng khiếu, tránh tình trạng chỉ khi đến HKPĐ mới đẩy mạnh hoạt động chăm lo, đào tạo. Có như vậy mới hy vọng thể thao học sinh tỉnh ta mỗi lần tham dự HKPĐ toàn quốc đạt kết quả cao, tương xứng với thành tích 17 năm liền là một trong những đơn vị xuất sắc dẫn đầu toàn quốc về giáo dục./.
Đức Thiện