Một trong những vấn đề được đông đảo dư luận, nhất là người hâm mộ bóng đá quan tâm nhất hiện nay là bao giờ bản sửa đổi “Quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2012” được thông qua, ban hành và có hiệu lực? Sự mong chờ của dư luận vào bản quy chế này là bởi hy vọng, bản quy chế sẽ có thể giải quyết được những “vấn nạn” hiện nay của giải đấu bóng đá cao nhất của nước nhà. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT), Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Cty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vẫn chưa thể thống nhất được với nhau để đi đến quyết định cuối cùng. Có nhiều lý do dẫn tới sự bất đồng này, trong đó có 2 điều mà những người quan tâm theo dõi dễ dàng nhận ra, đó là: Tổng cục TDTT không đồng ý với đề nghị của VPF cho cầu thủ có bố, mẹ người Việt nhưng sinh sống ở nước ngoài, có quốc tịch nước ngoài được thi đấu tại V-League như cầu thủ nội; và Tổng cục TDTT đề nghị giữ nguyên tên Giải bóng đá vô địch quốc gia là V-League Eximbank 2012, thay vì V.Super League như đề xuất của VPF. Bản thân VPF, VFF muốn đưa “ý tưởng” của mình vào quy chế bóng đá chuyên nghiệp để thu hút cầu thủ Việt kiều về nước thi đấu, trong khi đó Tổng cục TDTT vẫn giữ quan điểm “các cầu thủ này vẫn phải coi là người nước ngoài và nếu ra sân thi đấu vẫn phải giữ tư cách là cầu thủ ngoại”. Được biết, Tổng cục TDTT đã ghi nhận đề xuất này của VFF, VPF và sẽ báo cáo lên cơ quan cấp trên để quyết định trong thời gian tới.
Điều nghịch lý là, trong khi giải đấu đã diễn ra được gần chục vòng đấu, với rất nhiều vấn đề phát sinh như: bản quyền truyền hình, tình trạng bạo lực sân cỏ, năng lực trọng tài… nhưng đến nay, bản quy chế vẫn chỉ nằm trên giấy. Có thể thấy, chính các cơ quan chức năng, mà cụ thể ở đây là Tổng cục TDTT, VFF và VPF là những người tổ chức giải đấu, ban hành điều lệ cũng như các quy định khác nhằm quản lý, điều hành giải hiệu quả, tạo nên sự phát triển và diện mạo mới cho bóng đá Việt Nam… lại đang tự làm khó mình khi cứ mãi nhùng nhằng không thể ban hành bản quy chế?! Dư luận cho rằng: Chừng nào các cơ quan này còn nặng “tư duy” nhiệm kỳ, chưa đặt lợi ích “nhóm” dưới lợi ích “cộng đồng” thì chừng đó bóng đá Việt Nam sẽ chưa thể phát triển./.
Khôi Nguyên (tổng hợp)