Cần rèn đức trước khi... luyện tài!

03:03, 22/03/2012

Với mục tiêu “nâng tầm” các vận động viên (VĐV), Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) đã tạo điều kiện để các VĐV gần đạt chuẩn Olympic tham gia các giải đấu tầm cỡ châu lục, thế giới cũng như tập huấn dài ngày ở các nước có nền thể thao phát triển… nhằm đạt tiêu chuẩn để có thể tham dự Olympic Luân Đôn 2012. Mới đây nhất, giới hâm mộ nước nhà rất vui khi hay tin Nguyễn Thị Thanh Phúc, VĐV môn đi bộ người Đà Nẵng đã xuất sắc đạt chuẩn B dự Olympic 2012 sau cuộc thi đi bộ tại Nhật Bản. Có được kết quả này là nhờ có sự động viên, tạo điều kiện kịp thời của các ngành chức năng và trên hết chính là ý chí vượt khó, quyết tâm giành thành tích cao cho ngành thể thao nước nhà nói chung, bộ môn điền kinh nói riêng của Phúc. Nhiều người đang hy vọng Nguyễn Thị Thanh Phúc sẽ còn làm được nhiều hơn thế để mang vinh quang về cho Tổ quốc tại Đại hội thể thao lớn nhất hành tinh sắp tới. Tuy nhiên, thật đáng buồn khi không phải VĐV nào cũng ý thức được đầy đủ trách nhiệm, sự vinh dự của mình khi là những VĐV thuộc diện chuẩn bị tham gia Olympic 2012. Vừa qua, khi đội tuyển Rowing Việt Nam kết thúc chuyến tập huấn một tháng chuẩn bị cho Olympic Luân Đôn 2012 tại Australia, hai VĐV Nguyễn Phương Đông (Hải Phòng) và Lương Đức Toàn (Hà Nội) đã bỏ trốn khỏi đội tuyển ngay trước khi lên đường về nước, để lại toàn bộ đồ đạc cá nhân cũng như hộ chiếu. Hiện tại vẫn chưa biết 2 VĐV này đi đâu. Đây là 2 VĐV từng đoạt HCB và HCĐ ở SEA Games 26 vừa qua. Việc họ bỏ trốn chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh của thể thao Việt Nam. Xa hơn tại SEA Games 26 được tổ chức tại In-đô-nê-xi-a, sau khi sang đất bạn thi đấu, một số VĐV cũng đã tự ý bỏ đội mà không biết lý do… Liên tiếp những vụ việc đáng tiếc trên diễn ra khiến người hâm mộ không khỏi băn khoăn, trăn trở và đặt câu hỏi về ý thức, đạo đức kỷ luật của những VĐV này ra sao? Trách nhiệm của gia đình, những người trực tiếp quản lý, rèn rũa họ và cao hơn đó là các ngành chức năng, cơ quan chủ quản như thế nào? Trước tiên đó là trách nhiệm của gia đình mỗi VĐV đã không nhắc nhở con em mình nêu cao ý thức phục vụ quốc gia. Cùng với đó, ngành thể thao đã buông lỏng công tác quản lý, phó mặc việc quản lý VĐV cho lãnh đạo các đội tuyển mỗi khi ra nước ngoài thi đấu hay tập huấn. Trong công tác huấn luyện, Tổng cục TDTT cần lưu ý đến vấn đề giáo dục văn hóa, ý thức cho VĐV. Sâu xa hơn, việc giáo dục đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật cho các VĐV cần được các huấn luyện viên quan tâm đặt lên hàng đầu, và xem đó như việc làm thường xuyên để giáo dục họ tự ý thức được những hành vi của mình trong quá trình tập luyện cũng như thi đấu. Cùng với đó rất cần có cơ chế pháp lý ràng buộc, cũng như các chế độ lương, thưởng hợp lý, nhằm bảo đảm các điều kiện cần thiết để các VĐV yên tâm tập luyện, thi đấu, giành thành tích cao.

Dư luận cho rằng: Dù với bất kỳ lý do gì thì việc bỏ trốn này đã cho thấy vấn đề đạo đức, tính kỷ luật và sự chuyên nghiệp của các VĐV vẫn cần được quan tâm hơn nữa. Ngành thể thao, các đơn vị chủ quản và nhất là các huấn luyện viên cần quan tâm, chú trọng rèn đạo đức, ý thức trước khi rèn chuyên môn để mỗi VĐV có được sự “ứng xử” phù hợp khi khoác trên mình chiếc áo đội tuyển quốc gia./.

Khôi Nguyên (tổng hợp)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com