Tại SEA Games 26, các đội tuyển bóng chuyền trong khu vực đã lần lượt xuất hiện một số gương mặt trẻ đủ sức trụ vững trong đội hình chính mà tiêu biểu là cặp Wanichaya, Sumak (Thái Lan), 4/6 cầu thủ của đội nữ Indonesia hay nhóm chủ công cùng sinh năm 1993 của nam Myanmar. Riêng Việt Nam, chỉ một Phạm Thái Hưng (nam) là vận động viên trẻ chơi nổi bật và điều này làm nhiều người càng thêm bức xúc trước tư duy và cách nhìn lệch chuẩn ở giới bóng chuyền Việt Nam.
Bài học từ Thái Lan
Tại Đông Nam Á, Thái Lan là đại gia ở môn bóng chuyền, không chỉ ở thứ tự xếp hạng (nữ hạng 12 thế giới, nam nhất Đông Nam Á) mà là ở cách làm, nói khác đi là cách nghĩ. Bài viết này chủ yếu đề cập đến bóng chuyền nữ.
Một lần tâm sự với Kiatipon - “kiến trúc sư” của đội tuyển Thái Lan, chúng tôi chia sẻ nhận thức khá độc. Theo đó, còn lâu Đông Nam Á mới có nhiều những “khủng long bóng chuyền”, để họ đủ sức thao túng cả 9m chiều ngang lưới như nhiều đội tuyển trên thế giới đã làm. Vì thế, thay vì nhắm mắt hài lòng với các phụ công chỉ biết tung hoành với các quả đánh nhanh, chồng và giậm nhảy một chân tại vị trí số 2, trước sau Thái Lan lấy việc đi tìm những chủ công giỏi đánh sau vạch 3m để làm vũ khí chủ yếu.
Đội tuyển Thái Lan lâu nay với những chủ công như Wilavan, Onuma, Malika chỉ cao từ 1m74 - 1m76 mà đủ sức xuyên qua hàng chắn xấp xỉ 1m90 của những đội tuyển tầm cỡ để xếp hạng 12 thế giới, đặc biệt đã vô địch giải bóng chuyền nữ châu Á 2009 tổ chức tại Hà Nội, xếp trên Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Kazakhstan... Các chủ công ấy chỉ đánh chồng ở cự ly vừa, khó bị chắn và rất lợi hại với các quả đánh từ sau vạch 3m. Họ bớt dần các phụ công (chỉ còn Pleumjit) và tăng cường các chủ công, lại dám đưa lên đội hình 1 chủ công Nasri (7) cao chỉ 1m68 nhưng đánh xa lưới rất hay.
Trên thế giới, xu hướng đánh nhanh đang giảm bớt và ngày càng xuất hiện các quả đánh xa lưới, các cú nhảy phát giàu uy lực, đồng thời có thêm nhiều “khủng long lên sàn”. Tại khu vực, người ta chỉ bỏ tiền đi thuê các chủ công đánh xa lưới giỏi như Ngô Văn Kiều, Wanchai, Wang Bin, Kitsada (nam), Wilavan, Onuma, Malika (nữ)... chứ mấy ai đi thuê các phụ công như Ngọc Hoa, Kim Huệ? Tuy nhiên, thực tế này chưa làm bóng chuyền Việt Nam mạnh dạn thay đổi cách nghĩ cách làm.
Hà Ngọc Diễm, phát hiện mới của Truyền hình Vĩnh Long |
Lệch chuẩn?
Mươi lăm năm về trước, bóng chuyền Việt Nam du nhập lối đánh nhanh của Trung Quốc, quả đánh tại chân số 2 và khe số 2-3 nhanh chóng lan đi như một hội chứng và trở thành trở lực từ lúc nào không biết, theo nghĩa làm chậm sức sáng tạo trên lưới của vận động viên với các “chiêu” khác. Cơ khổ, hay thì hay đấy nhưng với một hàng trên cao kều thì những di chuyển biến hóa kia dễ bị vô hiệu hóa lắm. Tuy nhiên, bóng chuyền Việt Nam vẫn chiều chuộng các phụ công, tại các lần lên tuyển (nữ) người ta thấy dư thừa phụ công, thậm chí có lần lên tuyển có đến 5 phụ công là Ngọc Hoa, Kim Huệ, Thu Trang, Trà Giang và cả Thu Hòa!
Trong khi ấy, các chủ công cứ bớt dần, từ Bùi Thị Huệ, Phạm Thị Yến lãnh trách nhiệm chủ yếu nay Huệ đã nghỉ, Yến đau chưa lành, Đỗ Thị Minh đương nhiên là VIP dù đẳng cấp vẫn mang dáng dấp câu lạc bộ, số còn lại vừa thiếu vừa yếu. Cũng Huệ, Yến là cặp chủ công biết nhảy phát, nay thì quả phát ấy đã mất hẳn. Có lẽ vì thế mà ở SEA Games 26, Việt Nam thua Thái Lan đã đành, họ suýt thua Indonesia trẻ trung có 3 chủ công 18-19 tuổi rất khỏe và 2 trong đó nhảy đánh sau vạch 3m rất hiệu quả. Giới chuyên môn bóng chuyền cho rằng tại SEA Games 27 ở Myanmar sắp tới, đội tuyển Việt Nam sẽ rất vất vả với các cô gái này.
Vẫn nghe nói, các CLB mà mạnh thì đội tuyển sẽ mạnh, kể cả câu nói “kinh cung chi điểu” sau thất bại khi đối đầu với tuyển Thái Lan và cả trận thắng nghẹt thở trước Indonesia. Vậy mà có nhiều câu lạc bộ vẫn chạy đôn chạy đáo để kiếm tìm phụ công, nhất là các đội nữ. Ở cấp cao hơn, có sếp kêu là thiếu tài năng trẻ, tuy nhiên tại vòng 2 giải vô địch quốc gia năm 2011, chúng tôi khá hào hứng khi chứng kiến một số tài năng trẻ mới mẻ và đây là nhân tố mới đáng mừng, đa số đều ở giải nữ. Trong đó, đáng nói nhất là Hà Ngọc Diễm (10) của đội Truyền hình Vĩnh Long, một khuôn mặt gây ấn tượng nhất với người viết.
Phát hiện mới
Mới 17 tuổi, Ngọc Diễm đã có thể hình lý tưởng, cao 1m77 với hệ cơ bắp rất đẹp, cổ chân nhỏ và sải tay dài. Được trao vị trí chủ công, Hà Ngọc Diễm có tầm với cao đến 3m10, một thông số thuộc diện hiếm ở giới bóng chuyền nữ. Đặc biệt, Diễm có tầm bóng rất cao, nói khác đi là ở cô gái Vĩnh Long này, khoảng cách giữa “tầm bóng” và “tầm với” là rất ít, đó là điều mà không phải các cao thủ của bóng chuyền Việt Nam dễ dàng có được. Cũng chính điều này ở Việt Nam mà nhiều huấn luyện viên ít quan tâm đến những bài tập tốt cho các chủ công vậy.
Mới đây, giải bóng chuyền tại Hậu Giang đã tôn vinh đội Giang Tô trẻ trung có tuổi đời từ 15-18, điều này thật nhiều ý nghĩa và người viết lại nhớ đến Ngọc Diễm. Chưa có nhiều kinh nghiệm trên sân nhưng Diễm vào đà mạnh mẽ và ra tay gọn gàng. Ở tuổi ấy, các liền chị tên tuổi Bùi Thị Huệ và Phạm Thị Yến (đều cao 1m74 và đã hết phát triển) chưa sao có được và như thế, cô gái này rồi sẽ là một chủ công tốt ở cấp đội tuyển trong một tương lai không xa nếu được đầu tư đúng mức.
Đốt đuốc đi tìm chủ công là như thế, và đó cũng có thể coi là phát hiện ngọt ngào từ mùa giải 2012 đã bắt đầu vào cuộc.
Theo: qdnd.vn