Ngày 21-2, tại trụ sở của Công ty CP Viễn thông và Truyền thông An Viên - Công ty CP Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) ở Hà Nội, đã diễn ra cuộc làm việc giữa Chủ tịch Công ty AVG Phạm Nhật Vũ và lãnh đạo Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), gồm các ông: Võ Quốc Thắng (Chủ tịch HĐQT Công ty VPF), ông Nguyễn Đức Kiên (Phó Chủ tịch HĐQT Công ty VPF) và ông Phạm Ngọc Viễn (Tổng Giám đốc Công ty VPF).
Sẵn sàng hợp tác khai thác vì sự phát triển của bóng đá
Lãnh đạo AVG nêu rõ, mặc dù đến thời điểm này VPF vẫn chưa có đủ cơ sở pháp lý để đàm phán với AVG về bản quyền truyền hình, song với thái độ thiện chí, AVG sẵn sàng lắng nghe và thảo luận cùng VPF những vấn đề mà cả hai bên quan tâm. VPF đã bày tỏ mong muốn được chuyển giao lại toàn bộ bản quyền truyền hình của ba giải đấu bóng đá chuyên nghiệp theo hướng dành ưu tiên cho Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) phát trên các kênh quảng bá, đồng thời tăng thêm nguồn thu cho các câu lạc bộ tham gia ba giải đấu nêu trên. Lãnh đạo VPF đã cam kết sẽ bảo đảm cho việc tăng nguồn thu từ bản quyền truyền hình lên 70 tỷ đồng trong ba mùa giải từ năm 2012 đến 2014.
Tiếp nhận thông tin và đề xuất từ VPF, Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ đã khẳng định : “Mục tiêu của AVG từ trước tới nay vẫn là đem lại cho người xem truyền hình nhiều hơn nữa số trận đấu với chất lượng ghi hình cao hơn, điều này đã được chứng minh qua mùa giải 2011. AVG cũng đã và sẽ hết sức nỗ lực làm tăng thêm số tiền thu được từ thương quyền ngày một nhiều hơn để quay trở lại đóng góp cho bóng đá Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung như đã cam kết. Ghi nhận những ý kiến, đề xuất từ lãnh đạo VPF liên quan việc phát triển nguồn thu, tăng thời lượng phát sóng các trận đấu, giải đấu và cam kết sẽ xem xét để sớm có phương án trả lời VPF trong thời hạn một tuần kể từ ngày 21-2. Lãnh đạo AVG khẳng định: AVG sẵn sàng đàm phán thỏa thuận khi VPF có đủ điều kiện pháp lý và tôn trọng bản hợp đồng đã ký giữa VFF và AVG.
Trước đó, trong cuộc tiếp xúc với giới báo chí để “cung cấp thông tin và giải thích một cách đầy đủ nhất” về công việc cũng như mục tiêu của AVG chiều 20-2, ông Phạm Nhật Vũ đã khẳng định lại một lần nữa những thông tin đã công bố trước đó : “Toàn bộ lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh bản quyền truyền hình bóng đá chuyên nghiệp nói riêng và thể thao nói chung sẽ được dành cho sự nghiệp phát triển thể thao nước nhà”. Theo lãnh đạo AVG, số tiền thu được từ việc kinh doanh thương quyền bản quyền truyền hình bóng đá (sau này là các môn thể thao khác), sau khi trừ đi chi phí tiền mua thương quyền trả Liên đoàn bóng đá Việt Nam- VFF (hoặc các liên đoàn thể thao) và chi phí sản xuất chương trình, còn lại bao nhiêu sẽ được dành cho sự nghiệp phát triển thể thao với tỷ lệ như sau: 20% số tiền là đóng góp cho VFF (hoặc các liên đoàn), 30 % cho Quỹ hỗ trợ thể thao (trợ giúp các vận động viên, huấn luyện viên bị chấn thương trong tập luyện, thi đấu hay có hoàn cảnh khó khăn), 20 % cho thể thao thành tích cao (do Vụ Thể thao thành tích cao nhận và giám sát hỗ trợ vận động viên), 20 % cho thể thao quần chúng (cụ thể là dạy bơi cho học sinh và phát triển bóng rổ học đường nhằm mục tiêu giảm tai nạn đuối nước và phát triển chiều cao cho học sinh phổ thông), 10 % còn lại được dùng cho nghiên cứu phát triển thể thao.
Trả lời câu hỏi của báo chí, nếu “không lấy một xu lợi nhuận” từ tiền thương quyền bóng đá bán được như AVG thông báo thì họ sẽ nhận lại được gì ? Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ cho biết: “Cái chúng tôi hướng đến là xây dựng và phát triển được hình ảnh của AVG, một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng truyền hình với công nghệ hiện đại nhất châu Á phát trên hạ tầng kỹ thuật số mặt đất DTT và kỹ thuật số vệ tinh DTH. Chúng tôi sản xuất chương trình và thông qua kiểm duyệt của các đài truyền hình để phát sóng”.
AVG luôn luôn mong muốn phục vụ đông đảo người xem
Liên quan tới một số tranh cãi chung quanh thương quyền bản quyền truyền hình bóng đá chuyên nghiệp vừa qua với thông tin AVG ngăn cản các đài vào tác nghiệp, Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ khẳng định: “Tất cả các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh truyền hình đều có quyền vào sân tác nghiệp theo đúng Luật báo chí tại các sự kiện thể thao thuộc các Liên đoàn thể thao mà AVG hợp tác. AVG còn đề nghị tất cả các đài truyền hình hãy tích cực hơn nữa, tăng cường hơn nữa thời lượng phát các chương trình thể thao vì người xem truyền hình”. Theo ông Vũ, các cơ quan báo chí có quyền tác nghiệp ghi hình để đưa tin trên báo hình, báo nói, báo mạng hay báo giấy theo Luật Báo chí và được trích bản ghi hình đến 10 % để đưa tin, thậm chí có quyền sao chép bản ghi hình để phục vụ việc nghiên cứu, giảng dạy. Tuy nhiên, các đài truyền hình không được quyền khai thác thương mại để kiếm tiền và quyền đó thuộc người sở hữu thương quyền bản quyền. Các đài có thể vào ghi hình làm tin và trích không quá 10 % trong bản ghi hình toàn bộ trận đấu để đưa tin, chứ không được phát sóng toàn bộ một trận đấu khi chưa được phép của người sở hữu thương quyền truyền hình bóng đá, bởi như vậy là vi phạm.
Ông Vũ cũng cho biết: “Tôi đang rất muốn cộng tác với các đơn vị tạo ra nguồn thu để tạo ra được lợi nhuận. Nếu thời gian chưa có lợi nhuận thì sự thật là chúng tôi vẫn bỏ tiền ra để làm các chương trình bóng đá. AVG sẵn sàng hợp tác với bất kỳ đối tác nào nếu họ có những kế hoạch, mục tiêu và hành động thật sự vì bóng đá Việt Nam, vì thể thao Việt Nam với mục tiêu chung là mang lại nguồn thu cho thể thao nước nhà. Sẽ không có người xem truyền hình nào bị ảnh hưởng bởi hợp đồng đã ký kết giữa VFF và AVG và ngược lại, người xem đang có nhiều lựa chọn hơn, được xem truyền hình chất lượng tốt hơn với độ phủ sóng rộng hơn”.
Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo AVG đã nhận thiếu sót là chưa quan tâm cung cấp đầy đủ thông tin cho các cơ quan truyền thông để hiểu rõ hơn mục tiêu cũng như bản chất công việc đang làm. Theo lãnh đạo AVG, họ cũng luôn mong muốn hợp tác các đài truyền hình để phục vụ người xem. Bên cạnh việc bán chương trình do đơn vị này sản xuất (sản phẩm sạch không có quảng cáo) hoặc bán thương quyền bản quyền trận đấu, AVG sẵn sàng “tặng không” chương trình các trận thi đấu bóng đá và các sự kiện thể thao khác cho các đài truyền hình phát sóng mà không thu bất cứ khoản phí nào, tất nhiên là những chương trình phát sóng trực tiếp này có kèm theo quảng cáo để bù lại chi phí mua thương quyền và sản xuất chương trình của công ty. Theo ông Vũ, vấn đề ở đây là với điều kiện như thế, nhưng các đài có nhận và phát sóng phục vụ người xem hay không. Điều đó cho thấy các đài có thật sự mong muốn phát sóng vì đông đảo người xem hay họ còn cân nhắc cho lợi ích “mình được gì”.
Theo: nhandan.com.vn