Thi đấu bóng chuyền tại giải thể thao chào mừng 66 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 năm 2011 huyện Giao Thuỷ. Ảnh: PV |
Huyện Giao Thủy phong trào TDTT phát triển mạnh với thành tích nhiều năm được Ủy ban TDTT (nay là Bộ VH, TT và DL), UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc. Tuy nhiên, có thời gian phong trào thể thao của huyện bị giảm sút do gặp không ít khó khăn về nhân lực, kinh phí hoạt động. Để khôi phục phong trào TDTT cấp uỷ, chính quyền huyện Giao Thủy chỉ đạo các địa phương khôi phục các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian. Cơ sở vật chất, sân bãi phục vụ cho việc tập luyện và tổ chức các giải đấu từ huyện đến cơ sở được cấp ủy, chính quyền và nhân dân quan tâm, đầu tư xây dựng. Tổng diện tích đất quy hoạch cho hoạt động TDTT của huyện đến năm 2010 là gần 48ha, đến nay tiếp tục được các xã, thị trấn quy hoạch đáp ứng tiêu chuẩn. Công tác huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển sự nghiệp TDTT được đẩy mạnh. Đến nay, hệ thống cơ sở vật chất dành cho các hoạt động TDTT của huyện được đầu tư xây dựng khá đầy đủ với 1 nhà thi đấu thể thao Trung tâm huyện, quy mô 1.200 chỗ ngồi, trị giá đầu tư trên 6 tỷ đồng được khánh thành 1-9-2011, 7 nhà luyện tập và thi đấu thể thao, 55 sân bóng đá, 200 sân cầu lông, 80 sân bóng chuyền, 27 phòng tập bóng bàn, 169/332 thôn, xóm xây dựng được trung tâm tập luyện TDTT. Toàn huyện hiện có 60 CLB thể thao các bộ môn: bóng đá, cầu lông, bóng chuyền, khiêu vũ, thể hình, thể dục thẩm mỹ… với gần 1.100 hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT cơ sở. Đây chính là lực lượng nòng cốt thu hút, động viên nhân dân tham gia tập luyện, góp phần nâng cao chất lượng phong trào TDTT cơ sở. Các cuộc thi đấu TDTT quần chúng được tổ chức thường xuyên từ cấp cơ sở đến cấp huyện gắn với những ngày kỷ niệm lớn của đất nước, qua đó tăng cường sự đoàn kết, gắn bó người dân trong lao động, sản xuất. Mỗi năm, Trung tâm VH-TT-TT và các ban, ngành, đoàn thể của huyện tổ chức 20 giải thi đấu thể thao thu hút được nhiều đơn vị, VĐV tham gia, tiêu biểu như: Giải cầu lông cán bộ, CNVC, Hội thao ngành Công an, Hội khỏe Phù Đổng ngành GD và ĐT huyện…, giải thể thao chào mừng Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 hằng năm. Các giải thể thao cơ sở cũng diễn ra sôi nổi, mỗi năm có trên 300 giải thể thao thu hút hàng ngàn VĐV tham gia. Công tác giáo dục thể chất học đường, phong trào tập luyện TDTT trong lực lượng vũ trang, cán bộ, CNVC, các cơ quan doanh nghiệp tiếp tục được duy trì phát triển, góp phần nâng cao số người tập luyện TDTT thường xuyên và số lượng các gia đình thể thao.
Cùng với việc phát triển các môn thể thao hiện đại, các địa phương trong huyện luôn quan tâm khôi phục, phát triển các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian như đấu vật, bơi chải, leo cầu ngô bắt vịt, đi cà kheo, múa lân, sư, rồng, cờ người trong lễ hội truyền thống của các thôn, làng. Năm 2011, Phòng VH-TT huyện đã phối hợp các địa phương xây dựng kế hoạch đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động TDTT. Trước đây, việc tổ chức các lễ hội cách mạng, hội làng do chính quyền địa phương tổ chức với nguồn kinh phí hạn hẹp thì nay do BQL các di tích lịch sử văn hóa đảm nhiệm, kêu gọi nhân dân địa phương và con em xa quê đóng góp. Nhiều người có kinh nghiệm về các môn thể thao dân gian được mời tổ chức truyền dạy cho thế hệ trẻ. Tại lễ hội truyền thống cụm di tích lịch sử văn hóa Hoè Nha vào 14 và 15 tháng Giêng năm Nhâm Thìn 2012, lần đầu tiên nội dung bơi chải đã được tổ chức với 4 chải của các thôn tham gia, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của nhân dân trong xã và du khách thập phương, làm tăng ý nghĩa của lễ hội.
Việc phát triển các môn thể thao hiện đại song song với khôi phục và phát triển các môn thể thao truyền thống đã khẳng định hướng đi đúng trong phát triển TDTT ở huyện Giao Thủy./.
Đức Thiện