Thực hiện quyết định của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Cty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã đổi tên giải đấu Super League lại thành V.League ngay từ vòng 5 vừa diễn ra vào ngày chủ nhật (12-2) vừa rồi, nhưng xem ra tất cả các thành viên của Hội đồng quản trị VPF đều không phục cái cách VFF "ép” mình. Sự không phục, bắt nguồn từ việc cái tên Super League đã được các CLB thông qua trước khi báo cáo lên Thường trực VFF. Khi đó, VFF cũng có đại diện với 3 chữ ký đồng ý việc sử dụng tên Super League. Quan điểm của VPF là không tranh luận tên nào hay hơn, nhưng mong muốn phải tôn trọng những gì đã làm. Tất cả phải có trình tự, thủ tục và đúng pháp luật. Lý giải về quyết định của mình, VFF cho rằng do Điều lệ và Quy chế mùa giải 2012 chưa được thông qua nên việc dùng tên mới Super League là chưa hợp lệ. Chính vì thế, VFF bắt buộc phải sử dụng tên V.League chứ không phải một tên khác.
Việc VFF đã chỉ đạo thì VPF không thể không nghe theo bởi đó là mệnh lệnh. Chỉ có điều, việc VFF bắt phải đổi tên ngay ở vòng 5 là “chơi khó” VPF bởi nó ảnh hưởng lớn đến các CLB mà nhãn tiền là thay đổi lại toàn bộ việc in vé, biển quảng cáo, áo thi đấu... Song, nguyên nhân không nằm ở đó. VPF ra đời được kỳ vọng sẽ là hướng đi mới cho bóng đá Việt Nam. Vì mục tiêu đó, việc thay đổi tên giải để “làm mới” là việc nên làm. Chưa kể, VPF ra đời với sự chung tay của các ông bầu có tâm huyết, cũng muốn tạo ra một "sản phẩm” gắn với mình. Xóa cái tên Super League, chẳng khác nào không thừa nhận những tâm huyết của họ. Cả VFF và VPF thừa nhận, việc thay đổi tên giải chỉ là vấn đề rất nhỏ và mục tiêu chính là nâng “chất” giải đấu. Những người hiểu chuyện cho rằng, đây chẳng qua là chuyện khẳng định quyền lực trong cuộc tranh cãi giữa VFF với VPF về việc ai mới thực sự là “ông chủ” trong làng bóng đá Việt! Điều đáng nói là, VFF đã dựa vào việc Quy chế và Điều lệ mùa giải mới chưa được thông qua để đẩy vấn đề lên căng thẳng. Khi VPF quyết định đổi tên giải thành Super League, người ta đã hiểu rằng, VPF muốn chứng tỏ giải đấu mới do họ tổ chức không có liên quan đến giải đấu do VFF tổ chức. Bằng việc buộc VPF lấy lại tên giải đấu như cũ, VFF muốn dằn mặt VPF.
Dư luận cho rằng, khi VPF đề xuất đổi tên giải, hẳn là VFF đã biết, Tổng cục TDTT cũng biết. Vậy sao khi đó, các cơ quan này không có ý kiến, để đến bây giờ mới “phát hiện” ra thiếu mất chữ V nên buộc phải đổi (lấy lại) thành tên cũ? Trong khi đó, vụ việc tranh cãi bản quyền truyền hình, thời hạn thanh tra (đã công bố là 15 ngày) trôi qua từ lâu, vậy mà vẫn chưa có được kết luận cuối cùng. Rồi còn chuyện hệ trọng hơn như nâng chất lượng của các trận đấu, trình độ trọng tài, ngăn chặn bạo lực sân cỏ…, lẽ ra các bên phải cùng nhau hợp lực để cùng đi đến sự thống nhất, thì chưa thấy! Chỉ thấy tranh cãi đủ thứ chuyện, kể cả một chuyện nhỏ là thiếu chữ V trong tên giải! Có lẽ ở đây không phải thiếu một chữ V, mà thiếu một cái khác - cái tâm thực sự vì bóng đá Việt Nam!
Khôi Nguyên (tổng hợp)