Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, các giải đấu bóng đá quốc nội đã tiếp tục trở lại với các giải Cúp quốc gia, giải Vô địch quốc gia… Tuy nhiên, sự chú ý của người hâm mộ không phải là những trận đấu hay, những pha bóng đẹp hay những bàn thắng “để đời” mà là hàng loạt những pha bóng thô bạo, những trận hỗn chiến khiến một số cầu thủ phải… đổ máu khi rời sân đấu.
Vòng tứ kết Cúp quốc gia, mọi sự chú ý đổ dồn về sân Vinh của Sông Lam Nghệ An, nơi mà đội chủ nhà nổi tiếng với lối chơi “chém đinh chặt sắt” đối đầu với đội khách “rắn mặt” Ninh Bình. Và hậu quả của trận đấu “rắn” gặp “rắn” này là có tới 3 chiếc thẻ đỏ được rút ra dành cho Hoàng Thịnh (Sông Lam Nghệ An), Moussa và Đức Huy (Ninh Bình) sau những pha vào bóng thô bạo và đánh nguội đối thủ. Không riêng gì sân Vinh, mà kể cả ở sân Quy Nhơn (Bình Định) cho đến sân Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), tình trạng bạo lực cũng tăng cao, từ sân bóng lan sang cả khán đài. Ở sân Thống Nhất, sau khi bị chủ nhà Sài Gòn FC lật ngược ván cờ (thắng 3-1) cầu thủ Thanh Hóa bị ức chế tâm lý và đã tung ra những pha bóng theo kiểu triệt hạ đối phương. Thậm chí, những cái đầu trong sân đấu phát hỏa đã đành, một cái đầu ngoài sân - trung vệ Bật Hiếu (Thanh Hóa) cũng nóng, nên đã lao vào đòi ăn thua đủ với đối phương...
Điều đáng nói là, mặc dù đã bước sang mùa giải chuyên nghiệp thứ 12 nhưng dường như nhiều cầu thủ vẫn vào sân chơi bóng bằng sự “cay cú, ăn thua”, tìm mọi cách để “thanh toán” đối thủ nhằm đạt được mục đích của mình. Dẫu biết rằng, bóng đá chuyên nghiệp là phải căng thẳng, quyết liệt… nhưng không phải là đá theo kiểu “triệt hạ” đối phương bằng mọi giá?! Vấn đề nằm ở chỗ: sẽ không có những trận bóng “bạo lực” nếu như các cầu thủ có ý thức tôn trọng khán giả, cùng hướng đến một trận đấu đẹp và một nền bóng đá phát triển. Dư luận cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà tình trạng bạo lực sân cỏ lại “tung hoành” như hiện nay. Có một nghịch lý là, mặc dù CLB nào cũng nhìn nhận hành vi bạo lực là xấu, nhưng khi đội mình, CLB mình bị phạt vì hành vi trên thì ra sức bảo vệ, “kháng án” để mong được giảm án. Bằng chứng là ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, gần 6 CLB có đơn “đòi” Ban kỷ luật phải xem xét lại những bản án đã đưa ra trước đó, trong đó đa số đều liên quan đến hành vi bạo lực. Hơn nữa, ý thức cầu thủ vào sân chưa tôn trọng trọng tài, đôi chân của đồng nghiệp; ban huấn luyện, lãnh đạo đội chưa thật sự nghiêm khắc với cầu thủ đội mình. Đặc biệt, dư luận cho rằng: số tiền lương - thưởng quá cao khiến không ít cầu thủ có tư tưởng đá bóng theo kiểu “chết bỏ”, miễn là thắng. Trọng tài vẫn còn “chờn tay” trước những pha vào bóng phi thể thao. Tóm lại, đó là phải hình thành phong cách chơi bóng chuyên nghiệp để triệt tiêu vấn nạn trên. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, số đội bóng và cầu thủ sử dụng lối chơi bạo lực vẫn là “thiểu số”, chưa phải là xu hướng phổ quát và không thể kiểm soát. Người hâm mộ đang rất cần các cầu thủ, các huấn luyện viên và cả các ông bầu của các CLB bóng đá vào sân thi đấu theo đúng tinh thần thể thao cao thượng./.
Khôi Nguyên (tổng hợp)