Công ty Cổ phần VPF ra đời là vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam

08:12, 15/12/2011

Sau hơn ba tháng chờ đợi, ngày 14-12, Đại hội cổ đông lần thứ I của Công ty Cổ phần - VPF đã diễn ra và ông Võ Quốc Thắng đã được các cổ đông tín nhiệm bầu làm chủ tịch HĐQT Công ty VPF.

Các thành viên HĐQT Công ty VPF trả lời báo chí.
Các thành viên HĐQT Công ty VPF trả lời báo chí.

Nhiều thay đổi trong mùa giải 2012

Ngay sau khi kết thúc Đại hội cổ đông, các thành viên trong Công ty VPF sẽ bắt tay vào chuẩn bị cho mùa giải 2012. Theo Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên, có ba việc quan trọng mà VPF phải làm trong mười ngày tới là: Đàm phán lại hợp đồng tài trợ với Eximbank, bản quyền truyền hình với AVG và Công ty Động Lực.

Mục tiêu hàng đầu mà các nhà sáng lập ra Công ty VPF mong muốn là công tác đào tạo trẻ, từ đó nâng cao tầm cho đội tuyển Việt Nam. Cụ thể, theo điều lệ bóng đá Việt Nam tất cả các CLB V.League I và V.League II phải có trung tâm đào tạo bóng đá trẻ bao gồm: các lứa tuổi từ U 11 đến U 19. Từ mùa giải 2014, CLB bắt buộc phải có đầy đủ bốn đội tham dự các giải U 21, U 19, U 17 và U 15.  

Đại hội cũng thông qua Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2012, trong đó công tác đào tạo trẻ được xem là hạt nhân quan trọng trong lộ trình phát triển và nâng cao chất lượng bóng đá chuyên nghiệp quốc gia.

Cụ thể, từ mùa giải 2014, các CLB thuộc giải V.League I và V.League II phải có Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ (hoặc Học viện bóng đá) bao gồm các lứa tuổi từ U11 đến U19 (U11, U13, U15, U17, U19). CLB phải có các đội U21, U19, U17, U15 tham gia các giải trẻ quốc gia ở cùng độ tuổi.

Đối với CLB tham gia giải V.League I thì từ mùa giải 2013 phải có ba trong số bốn đội trẻ tham dự giải. Nếu không đủ số lượng đội trẻ tham dự giải theo quy định sẽ phải chịu hình thức kỷ luật theo quy định kỷ luật của VFF (CLB sẽ bị phạt 200.000.000 đồng/đội, số tiền này sẽ nộp vào quỹ phát triển bóng đá trẻ Việt Nam). Từ mùa giải 2015, CLB bắt buộc phải có đầy đủ 4 đội bóng tham dự các giải.

Đối với CLB tham gia giải V.League II từ mùa giải 2012 phải có hai trong số bốn đội trẻ tham dự giải. Nếu không đủ số lượng đội trẻ tham dự giải theo quy định sẽ phải chịu hình thức kỷ luật theo quy định kỷ luật của VFF (CLB sẽ bị phạt 100.000.000 đồng/đội, số tiền này sẽ nộp vào quỹ phát triển bóng đá trẻ Việt Nam). Từ mùa giải 2016, CLB bắt buộc phải có đầy đủ bốn đội bóng tham dự các giải.

Bên cạnh đó, từ mùa giải 2013, trong danh sách đăng ký, các CLB tham dự giải V.League I, V.League II phải có tối thiểu ba cầu thủ dưới 21 tuổi và trong danh sách đăng ký cầu thủ trước trận đấu phải có tối thiểu hai cầu thủ dưới 21 tuổi.

Dự thảo sửa đổi bổ sung Quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2012 cũng xác định lộ trình giảm sự lệ thuộc vào cầu thủ ngoại của các CLB, qua đó tạo thêm cơ hội vào sân cho các cầu thủ nội. Đối với giải Ngoại hạng, từ mùa giải 2013 sẽ đăng ký ba cầu thủ ngoại và thi đấu trên sân hai cầu thủ ngoại. Trong khi đó, từ mùa giải 2013, giải V.League II sẽ hoàn toàn vắng bóng ngoại binh.

Do giải V-League I không sử dụng cầu thủ ngoại kể từ năm 2013 nên cũng sẽ không có cầu thủ ngoại thi đấu tại Cúp quốc gia và tại trận Play-off (nếu có) tính từ thời điểm nêu trên.

Vấn đề về đại diện cầu thủ cũng được đặc biệt siết chặt. Theo đó, hoạt động đại diện cầu thủ chỉ có thể do cá nhân được FIFA, VFF cấp giấy phép đại diện cầu thủ tiến hành. Cầu thủ và CLB không được quyền sử dụng dịch vụ của đại diện không có giấy phép đại diện cầu thủ. Nếu vi phạm, CLB, cầu thủ sẽ bị kỷ luật theo quy định về kỷ luật của FIFA, VFF. Dự thảo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2012 cũng quy định: Cha mẹ, anh chị em ruột hoặc vợ, chồng của cầu thủ có thể đại diện cầu thủ trong việc đàm phán hoặc đàm phán lại hợp đồng lao động với CLB, người có quyền hành nghề luật sư hợp pháp theo quy định của pháp luật tại quốc gia mà người đó cư trú có thể đại diện cầu thủ hoặc CLB trong việc đàm phán hợp đồng chuyển nhượng cầu thủ hoặc hợp đồng lao động. Tuy nhiên những cá nhân trên không được ký hợp đồng hoặc ký cam kết thay cho cầu thủ.

Thông qua số lượng đội lên xuống hạng của giải V-League I và giải V-League II mùa giải 2012: Hai đội được xếp hạng thứ nhất và thứ nhì của giải V-League II sẽ được lên hạng và hai đội xếp thứ 13 và 14 của giải V.League I sẽ bị xuống hạng.

Đại hội đã uỷ quyền cho Hội đồng quản trị thông qua Quy chế tài chính và dự toán kinh phí hoạt động của Công ty VPF năm 2012. Đại hội cũng uỷ quyền cho Hội đồng quản trị tính toán mức đóng kinh phí phù hợp của các CLB vào chi phí tổ chức giải và ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định lựa chọn một Công ty kiểm toán các hoạt động của Công ty VPF trong số bốn Công ty kiểm toán lớn của quốc tế.

Các thành viên không nhận tiền lương từ Công ty VPF

Thành lập Công ty cổ phần bóng đá - VPF là một định hướng đúng đắn và phù hợp với xu hướng phát triển chung của bóng đá thế giới, nhưng việc chọn ai ngồi vào ghế nào, mà đặc biệt là những vị trí lãnh đạo như: Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc… của Công ty VPF là một công việc hết sức quan trọng. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc họp kín đoàn chủ tịch đã nhất trí giới thiệu ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch CLB Đồng Tâm Long An, đồng thời là chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty VPF.

Ông Võ Quốc Thắng có gần 10 năm kinh nghiệm làm bóng đá chuyên nghiệp, hơn nữa, ông Thắng đã từng “nhường” HLV H.Calisto cho đội tuyển Việt Nam khi VFF đi tìm HLV cho các ĐTQG năm 2008.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Võ Quốc Thắng cho biết: “Đây là vinh dự, nhưng mặt khác cũng là trọng trách lớn đối với cá nhân tôi. Với những công việc sắp tới, tôi tin Công ty VPF sẽ sớm mang lại thành công cho bóng đá nước nhà. Trước khi nhận lời tôi đã suy nghĩ rất nhiều, bởi công việc hàng ngày của tôi rất bận nên không có nhiều thời gian dành cho bóng đá, nhưng vì tình yêu và vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Tôi đã đồng ý, bởi anh Đức và anh Kiên đều là những người bận rộn hơn tôi rất nhiều mà họ vẫn dành thời gian cống hiến thì chẳng có lý do gì tôi từ chối trách nhiệm này. Tôi và các thành viên lãnh đạo VPF cam kết sẽ cống hiến hết mình vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam và chúng tôi sẽ không nhận bất cứ đồng lương nào từ Công ty VPF”.

Việc ra đời Công ty VPF được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt của bóng đá Việt Nam, sau những vụ “không hay” ở V.League và thất bại của đội tuyển tuyển U23 Việt Nam tại SEA Games 26. Với sự trợ giúp và ủng hộ của bầu Đức, bầu Kiên và nhiều thành viên khác. Người hâm mộ hy vọng, mùa giải 2012-2013, giải đấu sẽ được nâng lên và đáp ứng được sự kỳ vọng của người hâm mộ bóng đá cả nước.

Dù sao việc thành lập Công ty VPF để quản lý và điều hành giải V-League I cũng còn tốt hơn rất nhiều lần là để cho VFF làm, một cơ quan đang đánh mất đi uy tín về cách quản lý và điều hành của mình. Chỉ mong sao khi Công ty VPF đã đi vào hoạt động sẽ không xảy ra hiện tượng “chia bè, kết phái” để làm lợi cho CLB của mình. Mong rằng, thành viên HĐQT sẽ là những người công tâm để “chèo lái” bóng đá Việt Nam đi đúng hướng. Từ nói đến làm là cả một quá trình rất xa...chúng ta cùng chờ xem VPF sẽ làm thế nào để hiện thực hóa những điều họ đã nói.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com