Vì sao môn cầu lông thành tích cao ở tỉnh ta không phát triển ?

08:07, 28/07/2011

Những năm gần đây, ở tỉnh ta phong trào tập luyện môn thể thao cầu lông có sự phát triển mạnh và huy động được các nguồn lực trong xã hội xây dựng cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu tập luyện nâng cao sức khỏe của cán bộ, nhân dân. Nhưng có một nghịch lý là cầu lông thành tích cao lại không có sự phát triển...

I - Cầu lông phong trào phát triển mạnh mẽ

Hiện nay, ở tỉnh ta, phong trào cầu lông rất phát triển. Từ Thành phố Nam Định đến các huyện, xã, trong khuôn viên các nhà văn hóa, trụ sở UBND xã đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… hầu hết đều có sân cầu lông, mỗi sân cầu trị giá từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng. Thành phố Nam Định có hàng chục nhà thi đấu cầu lông thuộc các cơ quan, đơn vị của tỉnh và thành phố như: Sở KH-CN, Sở TN-MT, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Công an tỉnh… Khối các doanh nghiệp, trường học đầu tư khá mạnh. Cty Xăng dầu Hà Nam Ninh xây dựng 1 nhà thi đấu đa năng hiện đại trị giá hàng trăm triệu đồng. Cty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định đầu tư xây dựng 5 sân cầu lông trong nhà và ngoài trời tại trụ sở chính và các đơn vị trực thuộc phục vụ nhu cầu tập luyện của cán bộ, CNV và tổ chức các giải cầu lông của ngành. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định có 2 sân cầu lông nằm trong Nhà đa năng trị giá hàng tỷ đồng. Nhiều xã, phường trong thành phố cũng huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng sân tập luyện cầu lông trong nhà. Tiêu biểu như cán bộ, nhân dân xã Mỹ Xá đầu tư xây sân tập gần 200 triệu đồng; phường Cửa Bắc huy động hàng chục triệu đồng để làm sân cầu lông… Tại các huyện, phong trào đầu tư xây dựng nhà thi đấu, sân cầu lông trong nhà và ngoài trời cũng khá mạnh. Huyện Giao Thủy có trên 200 sân cầu lông, trong đó có tới gần 10 nhà thi đấu cầu lông thuộc sự quản lý của các cơ quan, doanh nghiệp. Ở huyện Hải Hậu, mặc dù có truyền thống là môn bóng chuyền nhưng cũng có khoảng 160 sân cầu lông được xây dựng tại khuôn viên các nhà văn hóa, trụ sở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mỗi buổi chiều đều tấp nập người chơi. Huyện Ý Yên mới phát triển môn cầu lông, nhưng đến nay 100% các cơ quan, đơn vị đều có sân cầu lông; 32 xã, thị trấn trong huyện trung bình mỗi xã, thị trấn đều có 2 sân. Cả 8 sân cầu lông trong nhà của huyện đều đạt tiêu chuẩn thi đấu trong đó, sân mới nhất được xây dựng có vốn đầu tư tới 800 triệu đồng... Trên nền tảng phát triển rộng khắp của phong trào, sự xuất hiện các CLB cầu lông, từ nguồn vốn Nhà nước và nhân dân cùng đóng góp, mỗi năm từ cấp huyện đến xã trong tỉnh tổ chức hàng trăm giải cầu lông vào các dịp kỷ niệm lớn của đất nước, ngày thành lập ngành… Ở cấp tỉnh, hàng năm đều diễn ra hàng chục giải thi đấu cầu lông như: Giải cầu lông toàn tỉnh, giải cầu lông công nhân viên chức lao động tỉnh, giải cầu lông các chức sắc tôn giáo tỉnh, giải cầu lông thuộc giải thể thao các CLB VH-TT khu vực Tỉnh ủy, các ngành: Y tế, Giáo dục, Ngân hàng...

II - Mất cân đối giữa cầu lông phong trào và thành tích cao

Thông thường, sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cầu lông cơ sở là nền tảng để cầu lông thành tích cao phát triển. Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây, cầu lông thành tích cao tỉnh ta dường như bị mai một. Đã từ lâu, bộ môn cầu lông không nằm trong danh sách các bộ môn thể thao của Trường Nghiệp vụ TDTT Nam Định, kể cả trong việc thành lập đội tuyển cho Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII được tổ chức tại tỉnh ta. Nguyên nhân, kinh phí tuyển chọn, đào tạo VĐV cho bộ môn này rất lớn mà Trường Nghiệp vụ TDTT Nam Định không huy động được sự tham gia của các nhà tài trợ. Thực trạng thiếu kinh phí tài trợ, nâng cao giải thưởng cũng khiến các giải cầu lông của tỉnh do Sở VH-TT và DL tổ chức hàng năm thiếu hấp dẫn các VĐV. Tại giải cầu lông toàn tỉnh năm 2011, chỉ có 6/10 huyện, thành phố và 15 ban, ngành, đoàn thể tham dự. Thực tế cho thấy, “cơ sở” để phát triển bộ môn thể thao cầu lông thành tích cao tỉnh ta rất dồi dào, nhưng ngành VH-TT và DL chưa khai thác có hiệu quả. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 100 nhà tập cầu lông hiện đại, mỗi nhà được xây dựng trung bình khoảng 300 triệu đồng thì số tiền đầu tư đã trên 30 tỷ đồng; hàng trăm sân cầu lông ngoài trời, mỗi sân được đầu tư khoảng 5 triệu đồng; kinh phí mỗi năm từ tỉnh đến huyện tổ chức các giải cầu lông, thành lập các đội tuyển tham gia các giải cầu lông của ngành dọc ở Trung ương; kinh phí duy trì tập luyện của người chơi… thì số tiền đầu tư vào môn cầu lông không hề nhỏ. Bên cạnh nguồn lực dồi dào, tỉnh ta cũng không thiếu VĐV cầu lông tài năng. Bằng chứng là các đoàn VĐV các cơ quan, đơn vị, các ngành đi thi đấu các giải Trung ương đều đạt giải cao. Năm 2010, đoàn VĐV cầu lông Công an tỉnh giành giải nhất môn cầu lông tại "Đại hội khoẻ vì an ninh Tổ quốc" của ngành Công an; đoàn VĐV Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương tỉnh tham gia hội thao của ngành khu vực IV, Ngân hàng Nhà nước tỉnh tham gia hội thao công đoàn Ngân hàng Nhà nước khu vực I đều xếp thứ hạng cao ở bộ môn cầu lông. Ngoài ra, hệ thống cơ sở vật chất dành cho đội tuyển cầu lông (nếu thành lập) là khá tốt, vì các sân cầu trong Nhà thi đấu Trần Quốc Toản có quy mô hiện đại trong nước.

Thể thao phong trào và thể thao thành tích cao là hai mặt tác động tương hỗ qua lại với nhau. Nếu thể thao phong trào là nền tảng, tiền đề thì thể thao thành tích cao là động lực thúc đẩy phong trào. Thật đáng buồn khi môn cầu lông đỉnh cao ở tỉnh ta không phát triển được khi đã có nền tảng vững chắc là phong trào quần chúng. Để cầu lông đỉnh cao phát triển, ngành VH-TT và DL cần có định hướng phát triển cụ thể. Trong đó, vấn đề then chốt là huy động các nguồn lực xã hội, tổ chức các giải cầu lông cấp tỉnh, tăng cường kinh phí tuyển chọn và đào tạo VĐV… Hy vọng cầu lông thành tích cao tỉnh ta sẽ sớm tìm được vị thế xứng đáng trên đấu trường trong nước./.

Đức Thiện

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com