Hiện nay, trên địa bàn Thành phố Nam Định có 4 bể bơi, trên 10 phòng tập thể hình, CLB thể dục thẩm mỹ, gần 20 sân quần vợt (tennis); 2 sân vận động dành cho phong trào TDTT quần chúng cơ sở là sân Quảng trường Hoà Bình, sân Nhà máy Dệt; 3 nhà văn hóa trung tâm có tổ chức các hoạt động thể thao cho thiếu nhi, 1 Trung tâm VH-TT-TT thành phố có nhà tập luyện là địa điểm sinh hoạt cho các CLB của trung tâm. Ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, tiểu học, THCS, THPT, Trung tâm GDTX, Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, mỗi trường đều có 2-3 sân chơi thể thao. Ngoài ra, thành phố còn có 125 nhà văn hóa ở 588 tổ dân phố, thôn, xóm có thiết kế sân chơi thể thao cho trẻ em; 7/25 phường, xã có sân bóng đá. Mặc dù các cấp, các ngành từ thành phố đến các xã, phường đã có nhiều cố gắng trong việc tạo sân chơi thể thao cho nhân dân nhưng so với nhu cầu của người dân thì còn quá thấp, mới chỉ đáp ứng được 15-20%. Nguyên nhân là do hầu như các phường thuộc khu vực trung tâm thành phố đều đã hết quỹ đất dành cho hoạt động thể thao. Không chỉ ít về số lượng mà chất lượng cơ sở vật chất của các sân chơi này cũng rất thấp. Nhiều sân chơi thể thao qua thời gian đã xuống cấp. Quảng trường Hòa Bình và sân Nhà máy Dệt thu hút chủ yếu thanh, thiếu niên vào đá bóng nhưng phải bỏ tiền thuê sân khá cao. Do thiếu sân chơi nên người dân thành phố, nhất là thanh, thiếu nhi phải tập luyện ở vỉa hè, trên đường đê sông Đào, tại công viên cây xanh hay sân đầu hồi của các khu tập thể. Nhiều trường hợp tập luyện thể thao gây cản trở giao thông, thậm chí bị tai nạn giao thông. Vì vậy, tuy số dân của thành phố khá đông, nhiều người có điều kiện về thời gian, kinh tế nhưng đến năm 2010, toàn thành phố mới chỉ có 25% dân số tham gia tập luyện thể thao thường xuyên.
Tập thể dục buổi sáng tại Công viên Vỵ Xuyên (TP Nam Định). |
Với mục tiêu phát triển TDTT đáp ứng nhu cầu của thành phố đô thị loại I trực thuộc tỉnh, đến năm 2015, Thành phố Nam Định phấn đấu có 30% dân số, 22% số gia đình tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, có 400 CLB, tổ, nhóm TDTT trong đó 20 CLB thể thao tư nhân; hằng năm tổ chức 40 giải thi đấu thể thao do các cơ quan, ban, ngành của thành phố tổ chức, khoảng 500 giải thi đấu thể thao ở các xã, phường… Để đạt được những mục tiêu trên thì vấn đề tạo sân chơi thể thao cho người dân là đòi hỏi bức thiết, cần có sự vào cuộc của các ban, ngành, đơn vị chức năng của thành phố. Phòng VH-TT thành phố đang tích cực tham mưu với UBND thành phố; phối hợp với các ngành chức năng, các xã, phường, đặc biệt là các xã ven đô tập trung quy hoạch, tạo quỹ đất để san lấp xây dựng 4 sân bóng đá lớn, 36 sân bóng chuyền, 50 nhà tập cầu lông, 500 bàn bóng bàn, 15 sân quần vợt, 7 bể bơi; bình quân mỗi người dân đạt chuẩn 2m2 cho hoạt động thể thao. Đối với cấp phường, xã sẽ xây dựng các khu hoạt động TDTT tại các cụm dân cư và các khu đô thị phục vụ nhân dân; đầu tư xây dựng các khu tập, khu thi đấu TDTT cho người khuyết tật, người cao tuổi. Các trường học trên địa bàn tiếp tục được đầu tư mở rộng, dành quỹ đất cho TDTT. Trung tâm VH-TT-TT thành phố là nơi tập trung nhiều CLB hoạt động thể thao sẽ được mở rộng để có đủ các phòng luyện tập, thi đấu thể thao, phát triển các môn thể thao thành tích cao, đặc biệt là các môn thể thao thế mạnh của thành phố. Ngoài ra, thành phố sẽ huy động các nguồn lực của những tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các điểm vui chơi, các CLB thể thao phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Phát triển TDTT là một nhiệm vụ quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nhằm bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người. Việc tạo thêm nhiều sân chơi thể thao sẽ góp phần động viên các tầng lớp nhân dân tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện sức khỏe theo gương Bác Hồ vĩ đại”, tích cực xây dựng Thành phố Nam Định trở thành trung tâm huấn luyện, đào tạo vận động viên tài năng thể thao cho tỉnh./.
Bài và ảnh: Thanh Ngọc