Đợi chờ điều kỳ diệu

06:04, 15/04/2011

Mới đây, ngành Thể thao đã chính thức đưa ra đích phấn đấu: đưa 20 tuyển thủ quốc gia các môn tới Thế vận hội Luân Đôn vào tháng 8 năm 2012. Rất "khiêm tốn" so với mặt bằng chung thế giới, tuy nhiên chỉ tiêu ấy lại là cả một thách thức lớn đối với thể thao nước nhà.

Chỉ mong 10 suất chính thức

Dù chỉ được nêu chung chung, nhưng có thể hiểu rằng con số 20 ở đây là tổng số những tuyển thủ được tham gia tranh tài, theo tất cả các diện chính thức, đặc cách hay xét vớt. Còn nếu tính riêng những người đến bằng “cửa chính”, tức là qua các cuộc đấu loại trực tiếp hay tích lũy điểm thì nhìn vào thực lực đang có, cùng lắm thể thao Việt Nam cũng chỉ cố gắng được khoảng 10 suất.

Thực tế, hiện nay mới chỉ có một người gần như chắc suất: tuyển thủ cầu lông Tiến Minh, tay vợt hạng 8 thế giới. Theo quy định, để giành quyền dự Ô-lim-pích (Olympic), anh chỉ cần giữ được một vị trí trong nhóm 50 cây vợt hàng đầu thế giới - điều quá đơn giản với tay vợt số 1 Việt Nam.

Sau Tiến Minh, số VĐV “sáng cửa” tới Luân Đôn, với khoảng 60-70% cơ hội, cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay: các VĐV điền kinh Vũ Thị Hương và Trương Thanh Hằng, VĐV bơi lội Nguyễn Hữu Việt, võ sĩ Thái cực đạo (taekwondo) Nguyễn Thị Hoài Thu, võ sĩ Nhu đạo (judo) Văn Ngọc Tú và tay vật nữ Nguyễn Thị Lụa. Ngoài ra, còn một số gương mặt ở 10 nội dung nữa của các môn taekwondo, quyền anh nữ, canoeing, rowing, điền kinh, bắn súng... cũng có hy vọng giành vé chính thức, tuy nhiên cơ hội chỉ trên dưới 50%. Tựu chung, 10 đại diện chính thức đã là cả một nỗ lực, và đã là thành công lớn với Thể thao Việt Nam. Tại Thế vận hội 2008, chúng ta thậm chí chỉ đạt nổi mức bảy suất.

Như vậy, để bảo đảm mục tiêu 20 suất, ngành thể thao còn phải trông cậy một nửa nữa vào những suất “mời”, đặc cách hay xét vớt. Con đường phi chính thức này đặt ra hai điều kiện: Thứ nhất, các VĐV ở những môn có khả năng cần phải được tham gia tối đa vào các giải đấu trong hệ thống. Thứ hai, sự nhanh nhạy và mối quan hệ của Thể thao Việt Nam nói chung và từng môn nói riêng với các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc tế. 

Đoàn Việt Nam tại ASIAD 16.  Ảnh: Internet
Đoàn Việt Nam tại ASIAD 16.
Ảnh: Internet

Chưa thấy nhân tố tranh huy chương

Đây là một thực tế, cũng là nguy cơ hiển hiện khi lúc này Thể thao Việt Nam hiện không có bất cứ “mũi nhọn” nào đạt tới đẳng cấp có thể tranh chấp huy chương Thế vận hội 2012. Thậm chí, ở mức tiếp cận cũng chưa thấy, và khó có thể kịp tìm kiếm, đào luyện những ứng cử viên đích thực chỉ trong vòng một năm tới.

Thực trạng của Thể thao Việt Nam trước Olympic Luân Đôn tụt lùi khá xa so với cách đây bốn năm. Lúc đó, ít nhất chúng ta cũng sở hữu một tuyển thủ hàng đầu thế giới ở nội dung của mình là Hoàng Anh Tuấn (cử tạ). Anh đã xuất sắc mang về tấm HCB hạng 56kg nam. Hiện tại, giàu tiềm năng nhất là Nguyễn Thị Hoài Thu, nhưng chị vẫn kém nhóm VĐV hàng đầu một bậc, chưa kể tâm lý thi đấu khá phập phù. Nguyễn Tiến Minh có lẽ cũng chỉ mong lọt được vào tới tứ kết. Số còn lại được tham dự coi như đã là hoàn thành nhiệm vụ, bởi trình độ tụt lại quá xa.

Đáng buồn là nhìn sang ngay các nước trong khu vực Đông - Nam Á, ngoài những “trọng điểm” của thể thao Thái - lan, các quốc gia Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin... cũng đều có những gương mặt đủ sức giành huy chương Thế vận hội. Với tay vợt cầu lông số 1 thế giới Lee Chong Wei, Thể thao Ma-lai-xi-a còn đặt ra chỉ tiêu lần đầu có HCV.

Thế vận hội là một đỉnh cao vời vợi, một thách thức cực kỳ khó khăn đối với những nền thể thao còn nhiều hạn chế như Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đáng nói là sau Olympic 2008, ngành thể thao dường như đã không có sự nhìn nhận và đầu tư xứng tầm, dài hạn cho đấu trường này. Chúng ta đã chỉ chuẩn bị cho cuộc tranh tài tại Luân Đôn mùa hè 2012 trong khoảng hai năm, mà chính xác chỉ là một năm, với cách thức hệt như “hội làng” SEA Games, và bây giờ vẫn đang cố gắng hiện thực hóa ước mơ bằng cách chờ đợi những điều kỳ diệu...

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com